Các trường đại học hiện nay sử dụng rất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau với một số điều kiện đi kèm. Thí sinh cần lưu ý quy định tuyển sinh để tăng cơ hội trúng tuyển.
Xét tuyển học bạ kết hợp tiêu chí phụ
Tính đến tháng 2/2024, đã có gần 100 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước công bố sử dụng phương thức xét học bạ THPT trong mùa tuyển sinh 2024. Trong số này, nhiều trường đặt ra thêm tiêu chí phụ.
Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển khoảng 4.400 sinh viên với 5 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển thẳng; Xét học bạ THPT; Thi tuyển (thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực); Kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Ở phương thức xét học bạ THPT, nhà trường yêu cầu điều kiện đăng kí xét tuyển đối với các ngành đào tạo giáo viên là thí có hạnh kiểm tất cả 6 học kì cấp THPT đạt loại Tốt và học lực 3 năm đạt từ Giỏi trở lên.
Riêng đối với ngành sư phạm tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp thì điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi; đối với ngành sư phạm công nghệ, điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi.
Trường Đại học Ngân hàng TPHCM năm nay tuyển sinh theo 5 phương thức, trong đó, phương thức xét tuyển học bạ sẽ thêm điều kiện kết hợp với thành tích bậc THPT.
Phương thức này áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp năm 2023, 2024 và thỏa mãn các điều kiện: điểm trung bình học tập học kì I, học kì II lớp 11 và học kì I lớp 12 đạt từ 6,5 trở lên; điểm quy đổi xét tuyển theo trung bình tổ hợp môn đăng kí 3 học kì cuối đạt từ 72 trở lên.
Trường Đại học Ngoại thương cho biết, năm 2024, nhà trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2023 với 6 phương thức xét tuyển.
Trong đó, trường xét học bạ THPT với 3 nhóm thí sinh: tham gia/đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải (nhất, nhì, ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12, và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.
Nhà trường yêu cầu thí sinh phải đáp ứng thêm điều kiện có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên.
Thí sinh lưu ý gì?
Theo kế hoạch dự kiến của Bộ GDĐT, cuối tháng 2/2024, Bộ sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Quy chế được hoàn thiện trên cơ sở dự thảo quy chế sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT.
Dự thảo này được Bộ đăng tải công khai để xin ý kiến góp ý rộng rãi trong hai tháng qua (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 15/2/2024).
Theo đại diện Bộ GDĐT, các nội dung của quy chế thi không gây tác động đến kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT và tham gia xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng năm 2024 của các thí sinh.
Thời điểm này, thí sinh cần tập trung cho việc học tập, ôn luyện theo hướng dẫn của nhà trường và đề thi minh họa do Bộ GDĐT đã công bố; đồng thời, cập nhật đầy đủ, chính xác đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học để nắm được các phương thức xét tuyển năm nay.
Từ thông tin đề án tuyển sinh của các trường đã công bố, có thể thấy phương thức xét tuyển năm nay không có nhiều thay đổi. Có trường bỏ phương thức này, bổ sung phương thức khác hoặc có trường điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức.
Bộ GDĐT lưu ý thí sinh khi cập nhật, tra cứu thông tin đề án tuyển sinh của các trường cần đặc biệt lưu ý về các điều kiện đi kèm với từng phương thức xét tuyển.
Thực tế từ kỳ tuyển sinh năm trước cho thấy, không ít thí sinh chủ quan không để ý đến điều kiện đi kèm nên rơi vào tình huống đỗ thành trượt hoặc phải mất nhiều thời gian giải quyết.