Thi THPT quốc gia: Vẫn lo ngại môn Lịch sử

Hải Đăng 06/03/2016 11:38

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 tới, một số trường THPT ở Hà Nội đã tổ chức các kỳ thi thử để giúp các học sinh làm quen với kỹ năng làm bài, dạng đề thi và đánh giá việc rèn luyện ôn tập của mình. Một điều không lạ nhưng rất đáng lo ngại là quá ít thí sinh chọn môn Lịch sử. Theo nhận định của lãnh đạo một số trường, có thể khi học sinh đăng kí thi chính thức sẽ có sự thay đổi về lựa chọn nhưng không đáng kể.

Thi THPT quốc gia: Vẫn lo ngại  môn Lịch sử

Ngại môn Sử; môn Địa thành cứu cánh

Theo Bộ GD-ĐT kì thi THPT quốc gia năm 2016 tiếp tục tổ chức thi 8 môn trong 4 ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7/2016. Trong đó thi 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và các môn tự chọn từ các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Kết quả của kỳ thi này sẽ được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Theo thống kê của Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) và Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), dù chưa có đăng kí chính thức nhưng qua kì thi thử mà các trường này vừa tổ chức không có bất cứ học sinh nào chọn thi môn Lịch sử.

Theo ông Nguyễn Minh Phi- Hiệu trưởng trường Nguyễn Văn Cừ, hiện khối 12 của trường đang trong giai đoạn thi thử với đề thi do nhà trường tự ra.Tuy nhiên, thống kê ban đầu cho thấy không có thí sinh nào đăng kí thi môn Lịch sử. Con số thí sinh thay đổi khi lựa chọn môn khi thi thử và kỳ thi thật không nhiều, chỉ dao động khoảng vài em.

Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, theo PGS Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị), cũng không có học sinh nào lựa chọn môn Sử. Trước đây, có một vài em chọn thi Sử nhưng vài ba năm trở lại, không có bất cứ học sinh nào chọn thi môn này.

Tại các trường như THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa có khoảng 70 học sinh dự thi, Trường THPT Ba Vì có 60 học sinh trong số 520 học sinh đăng ký thi môn Lịch sử, Trường THPT Chương Mỹ A, huyện Chương Mỹ có 56 học sinh trên 595 học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử…

Ngoài ra, tham khảo thông tin thi thử tại một số trường khác như Trường Well Spring, Trường THPT Sóc Sơn, THPT Tây Đô,… cho thấy tỉ lệ học sinh đăng ký dự thi môn Sử cũng rất ít. Theo ông Nguyễn Tu Tập, Hiệu trưởng THPT Sóc Sơn thì chọn môn thi là quyền của học sinh, giáo viên chỉ tư vấn, gợi ý chứ không có quyền bắt các em phải thi môn nào.

Có một thông tin đáng lưu tâm là ngoài 3 môn thi chính bắt buộc của kì thi THPT quốc gia năm nay, trong số các môn tự chọn còn lại, theo thống kê sơ bộ từ một số Sở GD&ĐT trên toàn quốc, thí sinh chọn môn Địa lý chiếm tỉ lệ cao nhất. Tìm hiểu lý do này, nhiều học sinh cho rằng Địa là môn dễ học và hấp dẫn hơn cả so với các môn tự chọn khác.

Ông Nguyễn Hóa, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, qua thống kê khảo sát sơ bộ, cho thấy, số học sinh đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Địa lý chiếm số lượng nhiều nhất (khoảng 48%). Các môn có số lượng học sinh đăng kí thấp hơn là Lịch sử và Sinh học. Tại Vĩnh Phúc, qua kết quả khảo sát ban đầu của Sở GD&ĐT, trong số hơn 10 nghìn học sinh lớp 12 đăng kí khảo sát chất lượng THPT năm 2016, số học sinh đăng kí tự chọn môn Địa lý cao nhất 4.162 em (tỷ lệ 45, 46%); môn Sử có 219 học sinh (tỷ lệ 2.39%).

Học sử không chỉ để biết lịch sử

Chán học, ngại thi môn Sử là một thực trạng. Có thể dư luận chưa quên hình ảnh tràn lan trên mạng xã hội vào tháng 4 -2013, hàng trăm học sinh một trường THPT ở quận 11, TP.HCM đồng loạt xé giấy, xé đề cương môn Lịch sử khi biết môn Lịch sử không nằm trong 6 môn thi tốt nghiệp. Rồi tại kỳ thi THPT quốc gia tháng tháng 7-2015, tại điểm thi THPT Yên Thành II (Nghệ An) chỉ có duy nhất 1 thí sinh thi dự thi môn này. Về phía học sinh, nhiều em từng chia sẻ: Những ai đã và từng là học sinh đều hiểu được cái cảm giác giải thoát khỏi những tiết Sử khô khan, buồn chán.

Phân tích gốc rễ tình trạng này, theo GS.TS Vũ Minh Giang- Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo ĐHQG, để vào được các trường đại học như mong muốn, học sinh sẽ tập trung học và đăng ký những môn theo khối thi mà mình chọn. Trong khi đó khối ngành mà có môn thi Lịch sử lại khó xin việc nên ít học sinh lựa chọn môn thi này là điều khó tránh khỏi.

Còn theo phân tích của GS Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thì thời gian gần đây, giáo dục môn Lịch sử trong trường THCS và THPT sa sút nhiều. Học sinh chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện. Nếu đưa vào môn học bắt buộc thi thì điểm số rất thấp. Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết không chọn môn Lịch sử.

GS Phan Huy Lê cho rằng, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trước hết là do sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức. Truy nguyên lên cao hơn là do chương trình và nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn Lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học. “Muốn khôi phục chất lượng giáo dục môn Lịch sử, cần đổi mới căn bản toàn và toàn diện cả hệ thống giáo dục môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, thay đổi cách dạy, cách học và cách thi”- GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri- Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho rằng: Thế hệ trẻ nếu không hiểu biết hay hiểu biết sai lịch sử, dù là lịch sử gia đình, dòng họ, địa phương hay lịch sử của dân tộc, của cách mạng, của Đảng đều rất tai hại cho hiện tại và tương lai. “Tôi đã trực tiếp tham gia công tác tuyển sinh đại học mấy chục năm qua, trong đó có môn Lịch sử. Tôi đã từng hết sức bi quan khi điểm thi môn Lịch sử quá thấp, trong đó có nhiểu điểm 0 ”- NGƯT Ngô Đăng Tri cho biết.

Do đó, mấu chốt vấn đề không chỉ là sự cải tiến hình thức, phương pháp dạy và học mà là phải đổi mới, thay đổi nhận thức về lịch sử, phải viết lại giáo trình, có tài liệu tham khảo đa dạng, phải dân chủ trong giảng dạy, học tập theo hướng coi sử học là một khoa học thực sự, tôn trọng sự thật. Nghĩa là không phải học lịch sử để biết lịch sử mà quan trọng là để nhận thức đúng bản chất, rút ra kinh nghiệm, quy luật lịch sử để hành động theo đúng quy luật khách quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi THPT quốc gia: Vẫn lo ngại môn Lịch sử