Trong hàng loạt ý kiến về việc tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 hay hoãn thi, xét đặc cách với thí sinh một số địa phương bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên diện rộng hay xét đặc cách thí sinh cả nước, phóng viên Đại Đoàn Kết đã ghi nhận một số ý kiến từ phụ huynh, học sinh và giáo viên các trường.
Vũ Quốc Huy (Lớp 12a6, trường THPT Phủ Lý A, Hà Nam): Em không chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học bằng học bạ
Là một thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, em rất lo lắng nếu kỳ thi không được tổ chức thì việc xét tuyển vào đại học sẽ ra sao? Em không lo vấn đề tốt nghiệp vì đây không phải là mục tiêu của em.
Năm nay, em đăng ký thi vào khoa Ngân hàng, Đại học (ĐH) Kinh tế quốc dân. Năm ngoái, khoa này lấy 25 điểm cho khối thi 3 môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh và em rất tự tin với học lực cũng như nỗ lực ôn tập 3 môn này trong thời gian vừa qua sẽ vượt qua tốt kỳ thi và xét tuyển vào đại học.
Trong trường hợp không thi mà xét đặc cách tốt nghiệp, trường ĐH Kinh tế quốc dân hiện chưa công bố phương án xét tuyển bằng học bạ. Nhưng em không tự tin với học bạ 3 năm phổ thông đạt loại khá của mình. Ngay trong lớp em cũng có rất nhiều bạn đạt học sinh giỏi và đa phần là các bạn nữ chiếm ưu thế về học bạ. Nếu xét riêng điểm học bạ 3 môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh em cũng thấy không hoàn toàn tự tin vì em biết nhiều học bạ của học sinh trường chuyên “đẹp như mơ”, học sinh trường không chuyên bọn em khó cạnh tranh được.
Để đảm bảo công bằng cho việc xét tuyển vào đại học, nhất là những trường top đầu, em vẫn mong muốn kỳ thi diễn ra đúng lịch trình. Chúng em sẽ tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo của Bộ GDĐT cũng như cơ quan y tế để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mình cũng như những người xung quanh bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, nước sát khuẩn…
Vũ Dung (xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình): Thi thì lo lắm!
Con tôi năm nay thi lớp 12 nhưng hiện giờ, không chỉ chúng tôi mà nhiều gia đình xung quanh đều rất lo lắng vì ở xã bên cạnh có người nghi nhiễm Covid-19. Sức khỏe vẫn là quan trọng nhất. Con gái tôi vẫn đang ở nhà ôn thi không ra ngoài một bước nhưng sắp tới đi thi, điểm thi cả trăm thí sinh như vậy thì không biết có ai bị nghi nhiễm hay nhiễm rồi hay không?
Hiện con tôi đã đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào trường CĐ dệt may rồi nên nếu được, tôi nghĩ cứ xét tốt nghiệp cho các cháu năm nay, sau 1 tháng nữa tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì có thể nhập học. Tổ chức thi, nguy cơ cao không an toàn thì việc đi học sau đấy lại phải hoãn, tôi thấy không nên.
Thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên môn Toán trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội): Lắng nghe ý kiến địa phương, quyết định sao cho hài hòa
Kỳ thi năm nay được giao về cho các địa phương nên quan điểm của tôi, trước hết cần lắng nghe ý kiến của các địa phương. Gần đây Đà Nẵng, Quảng Nam có đề xuất riêng về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 cho địa phương mình. Tôi cho rằng, kiến nghị đó có thể có lý với riêng địa phương đó nhưng nếu nhìn một cách toàn cục, để đảm bảo cho việc xét tuyển vào ĐH sau đây, việc Bộ GDĐT cân nhắc và đưa ra phương án tổ chức kỳ thi làm 2 đợt sẽ hài hòa được tất cả mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH.
Nếu không tổ chức kỳ thi này thì trong 1 thời gian ngắn, các trường ĐH sẽ phải thay đổi phương án tuyển sinh năm nay và thí sinh sẽ bị động vì không có sự chuẩn bị từ trước về học bạ, điểm số hay các chứng chỉ ngoại ngữ… liên quan. Sẽ đặc biệt thiệt thòi cho các thí sinh ở vùng sâu vùng xa vì chắc chắn, ngoài học bạ, các em không còn tấm vé gì để được ưu tiên trong cuộc chạy đua giành 1 suất vào trường ĐH mơ ước.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): Thi 2 đợt là để đảm bảo công bằng cho thí sinh
Tôi đánh giá, thi 2 đợt là phương án tốt nhất trong thời điểm này để đảm bảo quyền lợi và công bằng cho tất cả mọi thí sinh. Các em thi để có điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ còn chỉ để xét tốt nghiệp, trên thực tế có những em không tham gia thi mà chỉ cần giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học THPT là được. Nên các trường ĐH để lại phần trăm chỉ tiêu cho các thí sinh thi đợt 2 với điểm số tương ứng với đợt 1 các em mới đỗ vào trường. Các em trúng tuyển sẽ nhập học muộn, phải học đuổi cho kịp với các bạn vào trước… Nhiều thứ sẽ bị động nhưng còn hơn là không thi thì không có căn cứ đâu để xét tuyển vào các trường không xét tuyển bằng kết quả học bạ, sẽ thiệt thòi cho các thí sinh.
Chúng ta nên nhớ, quyền tự chủ tuyển sinh nằm trong tay các trường ĐH nên tuyển thiếu hay tuyển dư một ít chỉ tiêu cũng không phải là vấn đề lớn. Trong đó, khi vượt chỉ tiêu thì mới phải xin ý kiến của Bộ GDĐT do thay đổi đề án tuyển sinh.
Về cơ bản, những nơi nào an toàn thì thi đợt 1. Những nơi nào chưa an toàn thì để lại đến khi tình hình ổn định mới tổ chức thi đợt sau. Còn khi nào tổ chức thi thì không ai nói trước được vì ngay cả những địa phương đang được đánh giá là an toàn, từ nay đến cuối tuần bùng phát dịch bệnh thì cũng phải để lại thi đợt 2 thôi. Cái đó, thí sinh và gia đình phải lường trước để chuẩn bị về mặt tâm lý và cả sức khỏe tốt nhất cho kỳ thi.