Thi tốt nghiệp THPT tại Nam Định: ‘Không tạo tâm lý căng thẳng cho thí sinh’

Duy Hưng 27/06/2023 21:28

Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định lưu ý vấn đề trên khi cùng lãnh đạo UBND tỉnh đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại một số điểm thi trên địa bàn huyện Xuân Trường và huyện Giao Thủy.

Ngày 27/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tỉnh cùng Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cao Xuân Hùng đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các điểm thi Trường THPT Nguyễn Trường Thuý (Xuân Trường) Trường THPT Giao Thuỷ (Giao Thuỷ).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cùng lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại điểm thi trường THPT Giao Thủy (huyện Giao Thủy).

Theo báo cáo của lãnh đạo 2 điểm thi trên, điểm thi Trường THPT Nguyễn Trường Thuý có 24 phòng thi, 553 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó Trường THPT Nguyễn Trường Thúy có 275 thí sinh, Trường THPT Xuân Trường C có 278 thí sinh; điểm thi Trường THPT Giao Thuỷ có 34 phòng thi, 812 thí sinh đăng ký dự thi (Trường THPT Giao Thuỷ 482 thí sinh, THPT Thiên Trường 293 thí sinh; 37 thí sinh tự do).

Ngoài các phòng thi, các điểm thi đều bố trí 2 phòng chờ cho thí sinh tự do, 2 phòng thi dự phòng, 1 phòng để đồ cho thí sinh và các phòng chức năng tại điểm thi.

Trước khi kỳ thi diễn ra, các điểm thi đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, phổ biến quy chế thi và các quy định liên quan cho cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi. Rà soát, bố trí đầy đủ các phương tiện phục vụ kỳ thi như: phòng thi, phòng điều hành thi, phòng nghỉ; hệ thống điện, nước, y tế, phòng cháy, chữa cháy; đảm bảo hệ thống camera an ninh hoạt động 24 giờ/ngày tại các phòng để đề thi, bài thi… Chuẩn bị các biện pháp đảm bảo an toàn đề thi, bài thi, an ninh trật tự phòng ngừa gây rối và xử lý tình huống bất thường trong thời gian diễn ra kỳ thi.

“Tránh việc cứ 5 phút lại có một thầy, cô đến bám tay vào cửa sổ nhòm vào phòng thi thì sẽ tạo sự căng thẳng không cần thiết cho các thí sinh, trong khi các em chỉ có 2 giờ để làm bài. Mình không nói là không kiểm tra, giám sát mà kiểm tra, giám sát làm sao để không gây căng thẳng cho thí sinh”, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng.

Kiểm tra tại điểm thi Trường THPT Giao Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài lưu ý lãnh đạo huyện Giao Thủy, lãnh đạo điểm thi phải đảm bảo cho các phụ huynh ở xa trong lúc chờ con em làm bài có chỗ ngồi nghỉ thuận lợi; nếu vị trí ngồi không có cây xanh thì phải huy động lực lượng tiếp sức mùa thi bố trí ô, bạt để che; bố trí nước uống; đảm bảo không để phụ huynh để xe dưới lòng lề đường; không để phụ huỳnh bám cổng trường nhòm vào trong vì vừa gây mất mỹ quan vừa tạo sự không khí không nghiêm túc của kỳ thi.

Liên quan việc này, có mặt tại cuộc kiểm tra, Bí thư Huyện ủy Giao Thủy Phạm Quang Ái chỉ đạo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Tùng chỉ đạo lãnh đạo Công an huyện-thành viên Ban chỉ đạo kỳ thi tại huyện thực hiện tốt việc này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng lưu ý lãnh đạo điểm thi phải chủ động rà soát, nắm bắt các trường hợp thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn để thông tin, nhắc nhở, đảm bảo cho các em đến dự thi đúng giờ; chuẩn bị lực lượng, phương án để trong hoàn cảnh nào cũng có thể kịp thời đưa thí sinh đến điểm thi dự thi đúng giờ.

Điểm thi trường THPT Giao Thủy (Nam Định) trước ngày kỳ thi THPT năm 2023 diễn ra.

Trong khi đó, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh lưu ý lãnh đạo điểm thi tổ chức kỳ thi tại điểm thi nghiêm túc nhưng không căng thẳng, tạo không khí bình thường để thí sinh làm bài, với tinh thần “các thầy cô chú trọng hướng dẫn các thí sinh thực hiện đúng quy chế chứ không phải chờ thí sinh vi phạm quy chế để phạt”.

Theo ông Cao Xuân Hùng, điểm thi có 3 thanh tra của Bộ, 3 thanh tra của Sở thực hiện nhiệm vụ giám sát. Để tránh tạo sự căng thẳng không cần thiết, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nam Định đề nghị lãnh đạo điểm thi kiến nghị việc đi lại của các cán bộ làm nhiệm vụ giám sát cần phù hợp.

“Tránh việc cứ 5 phút lại có một thầy, cô đến bám tay vào cửa sổ nhòm vào phòng thi thì sẽ tạo sự căng thẳng không cần thiết cho các thí sinh, trong khi các em chỉ có 2 giờ để làm bài. Mình không nói là không kiểm tra, giám sát mà kiểm tra, giám sát làm sao để không gây căng thẳng cho thí sinh”, ông nói.

Theo báo cáo của Sở GD-DDT tỉnh, kỳ thi năm nay, toàn tỉnh Nam Định có 20.406 thí sinh đăng ký dự thi. Tỉnh bố trí 35 điểm thi với tổng số 871 phòng thi, 2.670 cán bộ thực hiện công tác coi thi, 650 người là công an, trật tự viên, bảo vệ, y tế... phục vụ công tác thi.

Trước khi kỳ thi diễn ra, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Chỉ thị 13/CT-UBND ngày 9/6/2023 để chỉ đạo tổ chức kỳ thi trên địa bàn; thành lập BCĐ thi tốt nghiệp THPT tỉnh, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Vào chiều 12/6, BCĐ của tỉnh đã họp, triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi.

Để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, tỉnh đã chỉ đạo Sở GDĐT xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác tổ chức kỳ thi (công tác chỉ đạo; công tác phối hợp các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; công tác tập huấn tổ chức Kỳ thi; công tác in, sao và vận chuyển đề thi; các phương án hỗ trợ thí sinh dự thi; công tác chấm thi...). Chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tham gia công tác tổ chức kỳ thi. Chỉ đạo các huyện, thành phố chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai công tác tổ chức thi; đặc biệt, đảm bảo việc cung ứng điện đầy đủ cho học sinh ôn tập từ nay đến lúc thi và tại các điểm thi trong những ngày thi. Tỉnh Đoàn cũng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương để tổ chức các hoạt động hỗ trợ thí sinh dự thi. Ngành Giao thông Vận tải tỉnh có phương án phân luồng giao thông, giải tỏa ùn tắc giao thông tại các điểm thi…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi tốt nghiệp THPT tại Nam Định: ‘Không tạo tâm lý căng thẳng cho thí sinh’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO