Thông tin Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Tiếp tục mục tiêu hai trong một
Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Theo đó, có 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương.
Theo lộ trình, năm 2025 sẽ là năm đầu tiên học sinh hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ GDĐT đã công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để lấy ý kiến xã hội.
Bộ GDĐT xác định, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 trở đi tiếp tục đánh giá kết quả học tập, rèn luyện cần đạt theo chương trình giáo dục phổ thông mới, lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các trường đại học tiếp tục có thể dùng kết quả kỳ thi để tuyển sinh đầu vào.
Nội dung thu hút sự quan tâm của học sinh, giáo viên nhất của dự thảo là Lịch sử sẽ là môn thi bắt buộc thứ tư trong kỳ thi. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dự kiến sẽ có 4 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.
Với hệ giáo dục thường xuyên, số môn thi bắt buộc là 3 môn: Toán, Ngữ văn và Lịch sử. Ngoài ra, học sinh phải chọn thêm 2 môn khác trong 7 môn là: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn bắt buộc và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên dự thi 3 môn học bắt buộc và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn lọc.
Trong số các môn thi, Ngữ văn vẫn là môn duy nhất thi tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Để phù hợp cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT cho biết, ngân hàng câu hỏi và đề thi tất cả môn sẽ được xây dựng mới hoàn toàn theo hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Bộ cần phải chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 17 môn, trong đó ba môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học lần đầu tiên xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Bên cạnh đó, đến năm 2024 mới có sách giáo khoa lớp 12 và với nhiều bộ khác nhau nên công tác chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi sẽ gặp áp lực về thời gian.
Lo ngại tăng áp lực cho học sinh
Câu chuyện dạy và học môn Lịch sử đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên cách diễn đàn, báo chí. Về Dự thảo trên, nhiều chuyên gia, giáo viên cấp THPT đều đồng tình khi Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nhiều ý kiến lo ngại rằng, tăng thêm một môn thi bắt buộc cũng đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực cho học sinh cuối cấp.
Góp ý kiến về dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, đây là một phương án logic. Bởi vì khi môn Lịch sử là một môn học bắt buộc ở bậc THPT thì đương nhiên nó phải là môn thi bắt buộc.
Việc Lịch sử là môn thi bắt buộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục tình yêu lịch sử và cải thiện từng bước nâng cao chất lượng học sử ở các trường phổ thông hiện nay. “Phương án này, tôi nghĩ không chỉ phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục phổ thông mà đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của nhiều học sinh, sự đồng thuận của đông đảo mọi người trong xã hội”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Trước nhiều ý kiến lo ngại khi Lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc sẽ tạo thêm áp lực cho học sinh, ông Hiếu cho biết, việc học tập, thi cử, đánh giá môn Lịch sử là một câu chuyện dài và luôn là một trong những vấn đề của giáo dục nhiều năm nay. Vì nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho các học sinh ngại học môn này.
Tuy nhiên, Chương trình giáo dục 2018 và sách giáo khoa mới được biên soạn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Với môn Lịch sử, không yêu cầu học sinh phải nắm bắt tỉ mỉ, chi li kiến thức sử liệu, số liệu ngày, tháng, năm mà trên nền tảng kiến thức cơ bản đã được học ở bậc THCS, trong chương trình THPT lớp 10, 11, 12, việc học tập môn Lịch sử chủ yếu đi theo hướng học chủ đề, chủ điểm, có tính khái quát, mở rộng hơn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn.
“Do vậy tôi nghĩ sau 3 năm học THPT học sinh sẽ định hình được những kiến thức cơ bản để em cảm thấy không đáng sợ khi thi môn Lịch sử và thậm chí tự tin hơn khi thi môn này. Dĩ nhiên điều này phụ thuộc rất lớn vào khả năng truyền đạt của các giáo viên”, ông Hiếu cho hay.
Nhà giáo ưu tú, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) cũng cho rằng đây là phương án phù hợp. Học sinh được chọn 2 môn trong số các môn đã chọn học để tham gia xét tuyển đại học. Tuy nhiên, cần nâng tỷ lệ câu hỏi ở mức độ vận dụng lên khoảng 40% trong tổng số câu hỏi của đề thi.
Theo đề xuất của TS Nguyễn Tùng Lâm, để được công nhận tốt nghiệp THPT, ngoài điểm số, còn cần thêm điều kiện về việc học sinh tích cực tham gia các hoạt động công ích, từ thiện như ở nhiều nước đã triển khai. Việc này buộc học sinh có ý thức tự rèn luyện, huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể trong công tác giáo dục học sinh.