Thị trường bất động sản đang tồn tại nhiều vướng mắc kéo dài, lúc thì đóng băng, lúc lại sốt nóng bất thường dẫn tới biến động lớn về giá cả và gây ảnh hưởng dây chuyền tới tín dụng, tài chính.
Thị trường mới qua giai đoạn khó khăn nhất
Nhận xét về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) những tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại, tốc độ tăng giá BĐS ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, trong khi khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày càng giảm.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá BĐS tiếp tục xu hướng tăng, đặc biệt xuất hiện tình trạng tăng giá nhanh cục bộ tại một số địa phương sau thông tin sáp nhập, đặt cơ quan hành chính mới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, bất cập nữa của thị trường địa ốc là mất cân đối cung - cầu, cơ cấu sản phẩm bất hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng BĐS vẫn mất cân đối về cơ cấu nguồn cung, giá tăng cao nên chưa đáp ứng được được nhu cầu nhà ở của người dân.
Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, thời gian thực hiện trình tự, thủ tục kéo dài. Một số doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn triển khai dự án.
Giới chuyên gia cũng cho rằng việc chưa có hệ thống theo dõi, giám sát và dự báo thị trường BĐS đầy đủ, chính xác đã gây khó khăn trong xác định cung - cầu thực chất. Đơn cử, mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, nhưng nhiều địa phương chưa xác định rõ mức độ thiếu - thừa ở các địa bàn khác nhau để có phương án điều tiết phù hợp, hoặc chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội do chưa rõ tín hiệu thị trường. Để lành mạnh hóa thị trường BĐS, cần tập trung minh bạch toàn bộ quy trình phát triển, từ quy hoạch, giá đất, giá xây dựng, thuế, đến giá bán. Địa phương phải công bố đầy đủ quỹ đất quy hoạch cho các loại hình nhà ở...
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu nhận định, thị trường có dấu hiệu phục hồi nhẹ và mới vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Dự báo thị trường BĐS TPHCM và cả nước còn nhiều khó khăn trong năm 2025, ông Châu cho rằng, tình trạng thiếu nguồn cung dự án nhà ở vẫn tiếp tục. Trong các dự án nhà ở mới không còn loại nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, giá bán dưới 30 triệu đồng/m2. Ngược lại, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm khoảng 70% số lượng nhà ở đưa ra thị trường hàng năm. Điều này dẫn đến thị trường nhà ở phát triển thiếu cân bằng và bền vững như mô hình kim tự tháp bị lộn ngược. Dự kiến, đến năm 2026-2027 mới có thêm nguồn cung nhà ở thương mại phân khúc trung bình.
Thúc đẩy tăng cung nhà ở xã hội
Để thúc đẩy tăng cung nhà ở xã hội, hiện Chính phủ đang trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội theo hướng rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư, xây dựng, thẩm định giá bán, cho thuê nhà ở xã hội để giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm giá bán nhà xã hội.
Bộ Xây dựng đang rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan đến nhà ở xã hội về chiều cao, diện tích khu bếp, khu sinh hoạt chung, vật liệu xây dựng, nghiên cứu thiết kế nhà mẫu phù hợp với từng vùng miền để sử dụng kết cấu lắp ghép, cấu kiện thép, bê tông để xây dựng đồng loạt, tiết kiệm chi phí, giảm giá bán nhà ở xã hội.
Đồng thời thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thí điểm giao đất không qua đấu giá, đấu thầu cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cũng đang soạn thảo Nghị quyết thí điểm về phát triển nhà ở xã với các chính sách như: các dự án nhà ở xã hội sẽ được áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư, thời gian thực hiện thủ tục dự án nhà ở xã hội sẽ rút ngắn xuống còn 1,5 năm (trước đây khoảng 3 năm), lợi nhuận của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng được điều chỉnh tăng lên 13% chi phí thay vì 10% như hiện nay.
Số liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Xây dựng, trong quý I/2025, có 14 dự án dự án phát triển nhà ở thương mại hoàn thành với quy mô hơn 3.800 căn (bằng 140% so với cùng kỳ); cấp phép mới cho 26 dự án với khoảng 15.800 căn (bằng 136% so với cùng kỳ); về nhà ở xã hội, cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với 9.737 ha đất để làm nhà ở xã hội; đã hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn; khởi công 152 dự án với khoảng 131.000 căn; 419 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với 419.000 căn.
Để tăng cung nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành các mẫu thiết kế tiêu chuẩn cho nhà ở xã hội, khả năng tích hợp từ thiết kế cơ sở, kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, môi trường vào một giấy phép xây dựng để rút ngắn thời gian và thủ tục.
Các địa phương phải chủ động chuẩn bị quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, chứ không chỉ trông chờ vào 20% diện tích đất dành cho nhà ở xã hội từ các dự án nhà ở thương mại. Nhiều dự án nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại xây xong nhưng không có người ở, không có thương hiệu, dẫn đến lãng phí. Có thể nghiên cứu để cho phép chuyển đổi các dự án này thành nhà ở xã hội, đặc biệt là những khu tái định cư đang bỏ hoang.
Để tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội cho người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu mở rộng tiêu chí và đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, không chỉ dừng lại ở thuê mua, mà cần cho phép mua đứt nếu đủ điều kiện; đồng thời cải thiện nguồn tín dụng ưu đãi cho nhà đầu tư và người dân.