Kết phiên giao dịch cuối cùng của năm, VN-Index đứng ở mức 1.103,87 điểm, tăng gần 15% so với đầu năm 2020; HNX-Index đứng ở mức 203,12 điểm, tăng hơn 98% so với hồi đầu năm.
Cùng với sự đi lên của thị trường chung, hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu có một năm tăng trưởng rất tích cực.
Bên cạnh đó, vẫn còn những nhóm cổ phiếu có mức giảm mạnh do những ảnh hưởng trực diện từ dịch Covid-19.
Hàng loạt nhóm ngành tăng mạnh
Dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối tháng 1/2020, dẫn đến một đợt sụt giảm nhanh và mạnh.
Chỉ hai tháng sau đó, VN-Index đã sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Ít ai có thể ngờ sau cú sập mạnh của thị trường thì sự hồi phục lại “dẻo dai” và mạnh mẽ đến vậy.
Kết phiên giao dịch cuối cùng của năm (phiên 31/12), VN-Index đứng ở mức 1.103,87 điểm, tăng gần 15% so với đầu năm 2020; HNX-Index đứng ở mức 203,12 điểm, tăng hơn 98% so với hồi đầu năm. UPCOM-Index cũng chốt ở mức 74,45 điểm, tăng hơn 31,6%.
Cùng với sự đi lên của thị trường thì hàng loạt nhóm cổ phiếu cũng có một năm thăng hoa, có thể kể đến cổ phiếu ngành chứng khoán, khu công nghiệp, thép, ngân hàng...
Tại nhóm ngành chứng khoán, nhiều cổ phiếu trong nhóm này tăng trưởng gấp 2, thậm chí gấp hơn 3 lần trong năm 2020.
Cụ thể, mã VND của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT chốt phiên 31/12, có giá 30.000 đồng/cổ phiếu, tăng 108,3%, SHS của Công ty cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội tăng 224,6%, mã VCI của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt tăng 97,2%, SSI của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI tăng 103,2%...
Với mức phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và lãi suất duy trì thấp kỷ lục, dòng tiền đã chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán. Thị trường ghi nhận quy mô tham gia của nhà đầu tư mới cao chưa từng thấy trong lịch sử.
Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2020, tổng số tài khoản mở mới trong năm đạt 332.886 tài khoản; trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 329.452 tài khoản.
Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới cũng đẩy thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng kỷ lục với phiên giao dịch đạt gần 23.562 tỷ đồng trên hai sàn vào ngày 15/6/2020. Giá trị khớp lệnh nhiều phiên trong tháng 12/2020 đạt trên 15.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán sôi động giúp nhiều công ty chứng khoán “ăn nên làm ra.”
Đơn cử, lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) đạt 3.320,3 tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là mức doanh thu 9 tháng cao nhất trong lịch sử hoạt động của SSI.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của doanh nghiệp ước đạt 1.076 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch kinh doanh năm 2020.
Thực tế, cùng với sự đi lên mạnh mẽ của các chỉ số, quý 4 là quý bùng nổ của thanh khoản, do vậy dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2020 nhưng triển vọng về doanh thu và lợi nhuận của SSI trong năm qua là rất tích cực.
Mới đây, Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS) cũng vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2020. Theo đó, doanh thu năm 2020 ước đạt hơn 1.107 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 ước đạt hơn 315 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2019.
So với kế hoạch 720 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đã được Đại hội cổ đông thường niên công ty giao thì kết quả kinh doanh ước tính của MBS đã vượt xa.
Một nhóm ngành có mức tăng trưởng mạnh trong năm qua nữa cần kể tới là cổ phiếu ngành bất động sản khu công nghiệp.
Các mã tăng mạnh trong nhóm này như cổ phiếu SZC của Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức tăng gần 81% trong năm 2020, BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp tăng gần 37%, NTC của Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên tăng gần 73%, SIP của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG tăng hơn 83%...
Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã sẵn sàng. Việt Nam đang được đánh giá là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới.
Tính đến nay, nền kinh tế Việt Nam hiện đang có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia trên thế giới thông qua việc tham gia các tổ chức thương mại, Hiệp định thương mại tự do như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và 12 hiệp định thương mại tự do (FTA).
Mirae Asset cho rằng Việt Nam được biết đến nhiều hơn nhờ việc đã ngăn chặn đại dịch COVID-19 một cách quyết đoán và nhanh chóng, nhờ đó thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế. Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trong ASEAN và thuộc số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương.
Với tăng trưởng GDP năm 2020 được dự báo ở mức 2,4%, Việt Nam vươn lên dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Yếu tố này đã giúp Việt Nam tiếp tục duy trì tốt tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), sau 11 tháng năm 2020 đạt hơn 26,4 tỷ USD, vượt mức thu hút của cả năm 2018.
Cũng theo công ty chứng khoán này, ngành thép là một trong những ngành có mức sinh lợi lớn nhất trong năm 2020. Mirae Asset cho rằng ngành thép trong năm 2020 xứng đáng được nâng tỷ trọng vì ngành tôn mạ và thép đều đã hoàn tất tái cấu trúc, cũng như hưởng lợi từ việc giá thép cán nóng (HRC) tăng.
Các mã lớn trong ngành thép đều có mức tăng rất mạnh trong năm 2020, như HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng hơn 76%, HSG của Tập đoàn Hoa Sen tăng tới hơn 183,6%, NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim tăng gần 174%...
Đến năm 2021, Mirae Asset vẫn tiếp tục đánh giá tích cực cho cả ngành thép dựa trên luận điểm là giá HRC kỳ vọng duy trì ở mức cao khi Trung Quốc và Australia tiếp tục căng thẳng thương mại, gây sức ép lên nguồn cung quặng sắt.
Mirae Asset dự báo sản lượng sản xuất toàn cầu phục hồi từ năm 2021, trong khi sản lượng ngành thép nội địa phục hồi theo ngành bất động sản.
Năm 2020, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng gây chú ý với nhiều mã tăng mạnh như cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam tăng 87,2%, SHB của Ngân hàng TMCP cổ phần Sài Gòn-Hà Nội tăng hơn 161,5%, LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt tăng 61% và cổ phiếu ACB Ngân hàng TMCP Á Châu tăng 23%...
Theo giới phân tích, năm 2020, hàng loạt ngân hàng chuyển sang sàn HOSE đã tạo hiệu ứng tăng tích cực cho nhóm ngân hàng. Bên cạnh đó, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng kết quả kinh doanh của nhóm ngành ngân hàng vẫn rất khả quan.
Theo Công ty FiinGroup, riêng khối 21 ngân hàng niêm yết vẫn dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 10,2% trong năm 2020.
Điểm nhấn của năm 2020 là tăng trưởng thu nhập dịch vụ của khối ngân hàng, dù thu nhập chứng khoán đã có dấu hiệu chững lại trong quý 3/2020 bởi mặt bằng lãi suất đã không thể giảm hơn nữa do đã ở mức thấp kỷ lục.
FiinGroup cho rằng hai hoạt động này vẫn là điểm nhấn của lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2021 tới đây.
Cổ phiếu hàng không, du lịch giảm mạnh
Chịu ảnh hưởng trực diện từ dịch Covid-19, nhóm cổ phiếu hàng không và du lịch có mức giảm mạnh trong năm 2020.
Năm 2020, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giảm hơn 16,5%, VJC của Công ty cổ phần Hàng không VietJet giảm hơn 15%, NCS của Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài giảm hơn 31,4%, SAS của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất giảm hơn 12%...
Bên cạnh đó, hàng loạt mã cổ phiếu ngành du lịch cũng giảm khá mạnh. Cụ thể, mã TCT của Công ty cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh giảm hơn 30%, HOT của Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An giảm hơn 31%, VTR của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel giảm 28%.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm nay chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm 2019; trong đó, hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý 1/2020.
Từ quý 2 đến nay, Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, các hãng hàng không ghi nhận mức lỗ nặng trong năm 2020.
Đơn cử, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) diễn ra sáng 29/12 tại Hà Nội, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết Vietnam Airlines dự kiến số lỗ hợp nhất ở mức 14.445 tỷ đồng; trong đó, số lỗ của công ty mẹ dự kiến ở mức hơn 12.000 tỷ đồng, giảm lỗ 2.420 tỷ đồng so với kế hoạch.
Dù còn những nhóm cổ phiếu giảm mạnh và những thách thức từ dịch bệnh, nhưng giới phân tích vẫn có góc nhìn khá lạc quan cho diễn biến thị trường chứng khoán năm 2021.
Trong Báo cáo với tiêu đề “Sơ lược về triển vọng vĩ mô & thị trường Việt Nam năm 2021: Vượt qua bão giông,” các nhà phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) đã chỉ ra nhiều điểm thuận lợi để kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021; trong đó, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực được nhận định có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021.