Đánh giá của Bộ LĐTB&XH cho thấy, tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, cục bộ tập trung vào các doanh nghiệp có "thâm dụng lao động" trong ngành dệt may, da giày… gắn với nhu cầu các đơn hàng tăng. Tuy nhiên, mức lương còn thấp, điều kiện lao động chưa cao, thời gian làm việc dài khiến các doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Doanh nghiệp khó tuyển lao động
Để có nguồn nhân lực cho những tháng cuối năm, ông Nguyễn Đức Huấn – Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty CP Vận tải Thương mại và Đầu tư An Việt đã trực tiếp đến phiên giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hà Nội tổ chức để tuyển dụng. Dù vị trí tuyển dụng cũng như mức lương đưa ra khá hấp dẫn nhưng ông Huấn cho biết, vẫn không tuyển được nguồn lao động như mong muốn.
“Công ty có nhu cầu tuyển dụng 40 chỉ tiêu cho rất nhiều vị trí như Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, trưởng phòng Kinh doanh hậu mãi, trưởng phòng Kinh doanh phụ tùng ô tô, thợ sửa chữa ô tô, công nhân cơ khí,…. Dù vậy kết thúc phiên giao dịch công ty vẫn không tuyển đủ nhân lực như mong muốn” - ông Huấn chia sẻ.
Ra về tay không tại phiên giao dịch việc làm không chỉ là tình cảnh của ông Huấn mà là câu chuyện chung của khá nhiều doanh nghiệp khi tham gia tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm. Theo thống kê tại phiên giao dịch có gần 12.000 chỉ tiêu việc làm khá đa dạng ngành nghề từ phổ thông đến kỹ thuật, chuyên gia. Mức lương cũng khá hấp dẫn từ 5 đến 15 triệu đồng chưa kể làm thêm cũng như chính sách phúc lợi xã hội kèm theo. Tuy nhiên phản ánh từ các doanh nghiệp số NLĐ đi tìm việc khá “hẻo”, số hồ sơ ứng tuyển đạt yêu cầu của doanh nghiệp rất ít.
Nhận định về thực trạng trên, TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội nhận định, sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 căng thẳng, thị trường lao động cả nước gần đây có dấu hiệu hồi phục, nhiều người về quê đã quay trở lại làm việc và bổ sung thêm một lực lượng lao động mới khoảng gần 1 triệu người.
Tuy nhiên, theo ông Phong, mặc dù nguồn cung lao động tương đối tốt, nhưng có 2 vấn đề đang đặt ra, một là tình trạng lao động “nhảy” việc vẫn diễn ra, hai là còn thiếu hụt lao động ở một số lĩnh vực như dệt may hoặc ở các khu công nghiệp. Đó là chưa kể một số người bỏ phố về quê và lập nghiệp ở quê, khiến thị trường lao động chưa thể dồi dào như trước.
Có cơ chế nâng thu nhập cho người lao động
Theo báo cáo “Tình hình thị trường lao động trong năm 2022: Thực trạng và Hướng đi” vừa được VietnamWorks thuộc Navigos Group – Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam công bố mới đây cho biết, 80% người lao động ở các cấp độ tham gia khảo sát cho biết họ có nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới trong những tháng cuối năm 2022.
Báo cáo cũng chỉ rõ lương, phúc lợi và môi trường làm việc vẫn chiếm tỷ trọng cao trong lý do nghỉ việc của người lao động trong những tháng cuối năm 2022. Đáng chú ý, 51% người lao động tham gia khảo sát cho biết muốn chuyển việc ngay trong 5 tháng cuối năm. Điều này càng khẳng định xu hướng cạnh tranh về ứng viên sẽ khá gay gắt trên thị trường lao động trong nửa cuối năm 2022.
Theo các chuyên gia việc tuyển dụng lao động không khó mà “giữ chân” người lao động mới khó. Để hạn chế tình trạng người lao động bỏ việc, “nhảy việc” và để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp thì người sử dụng lao động phải đi sâu, đi sát, nắm được tâm tư nguyện vọng của người lao động.
Dự báo từ nay tới cuối năm vẫn cần thêm khoảng 900 nghìn lao động phục vụ cao điểm sản xuất cuối năm. Điểm sáng là thị trường lao động việc làm đang phục hồi mạnh mẽ nhưng khó khăn là vấn đề thiếu hụt lao động, đặc biệt là ở vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và thiếu lao động chuyên môn cao. Trong một báo cáo gần đây, có tới hơn một nửa số doanh nghiệp Đức tại Việt Nam chia sẻ tìm nguồn lao động công nghệ cao là một trong những trăn trở lớn khi quyết định mở rộng đầu tư tới đây.
Để tháo gỡ được nút thắt đối với sự lệch pha của thị trường lao động, tại đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH đã đề xuất bổ sung quy định cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; quy định về tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Theo đó đề xuất bổ sung quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm đối với những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia…
Nhận định về thị trường lao động từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng với những tín hiệu phục hồi khả quan của nền kinh tế thì thị trường lao động tiếp tục khởi sắc. “Qua tiếp nhận các đơn hàng từ phía doanh nghiệp với nhu cầu rất đa dạng ở tất cả các lĩnh vực, vị trí việc làm, chúng tôi dự báo ngoài nhóm ngành sản xuất ra, một số đơn vị tuyển dụng số lượng lớn sẽ tập trung ở nhóm thương mại dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin” - Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.