Xã hội

Thị trường lao động: Đa dạng nhu cầu tuyển dụng

Lê Bảo 18/07/2024 10:46

Bán buôn, bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, công nghiệp chế biến, chế tạo... là những ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong thời gian tới.

anhtren.jpg
Tuyển nhân lực qua kênh trực tuyến đang là xu hướng được doanh nghiệp và người lao động lựa chọn. Ảnh: Lan Hương.

Những ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng cao

Thông tin về những ngành nghề đang được các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng lao động với số lượng lớn vào làm việc tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay, DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động ở lĩnh vực, ngành nghề là thương mại - dịch vụ. Tiếp theo là ngành nghề công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng đều có nhu cầu tuyển nhiều lao động.

“Trong thời gian tới thị trường lao động Hà Nội tiếp tục phục hồi, nhiều DN đã quay trở lại hoạt động sẽ tập trung tuyển dụng lớn nhân sự ngành thương mại - dịch vụ. Đặc biệt, dịp này và thời gian tới, các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, ăn uống có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để phục vụ khách” - ông Thành cho biết.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo trong những tháng tới, một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như: Bán buôn, bán lẻ tăng 3,0% so với tháng trước; hoạt động chuyên môn về khoa học công nghệ tăng khoảng 3,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thêm khoảng 5%; du lịch, lưu trú ăn uống, nghệ thuật, giải trí... cũng là những ngành cần nhiều lao động.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội Nguyễn Tây Nam, nguồn nhân lực trên địa bàn Hà Nội khá dồi dào. Đầu quý III, sinh viên tốt nghiệp trường cao đẳng, đại học sẽ tiếp tục bổ sung vào nguồn cung lao động cho các DN.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, qua khảo sát tại một số hiệp hội, DN sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ, giày dép, dệt may… đang tuyển dụng với số lượng lớn lao động. Từ nay đến cuối năm, tỉnh Bình Dương cần khoảng 20.000 - 25.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, có tay nghề sẽ chiếm khoảng 80%, còn lại là lao động có trình độ chuyên môn.

Công nghệ kết nối người lao động và nhà tuyển dụng

Để cung cấp nguồn nhân lực cho DN cũng như điều tiết thị trường lao động, hiện nay tại các địa phương đang đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối DN và người lao động. Cùng với tổ chức trực tiếp, hiện nhiều địa phương triển khai công nghệ số kết nối lao động và nhà tuyển dụng.

Tại Vĩnh Phúc, để đáp ứng tốt nhu cầu của người lao động, giúp họ sớm tìm kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều chương trình kết nối cung - cầu lao động. Thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo..., người lao động có thể trực tiếp tương tác với đơn vị tuyển dụng và ngược lại. Thêm vào đó, trung tâm đã đầu tư, nâng cấp website: vieclamvinhphuc.gov.vn với độ mở lớn, nhiều hiệu ứng tương tác, người lao động được cấp quyền trực tiếp đăng tải hồ sơ ứng tuyển lên website hoàn toàn miễn phí.

“Với lượng truy cập trung bình khoảng 1.200 lượt/ngày, đã có hàng nghìn thông tin ứng tuyển được đưa lên hệ thống. Nhờ đó, các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động dễ dàng tiếp cận các thông tin của người lao động” - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đặng Phú Xuyên cho biết.

Sử dụng công nghệ số để tìm kiếm nhân lực đang là xu hướng hiện nay của các DN. Để mở rộng sản xuất - kinh doanh, Công ty TNHH Đại Hoa (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cần tuyển 700 lao động. Để tuyển được lao động công ty đã thay đổi chiến lược tuyển dụng, thay vì tuyển theo hình thức truyền thống như dán thông báo, đi tuyển dụng trực tiếp thì nay tuyển dụng qua các kênh như Facebook, TikTok, chạy quảng cáo trên Google… Nhờ sự chuyển hướng tuyển dụng này công ty đã dễ dàng tuyển dụng được nguồn nhân lực như mong muốn.

Chị Nguyễn Thị Dịu (xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) vừa được tuyển dụng vào vị trí nhân sự Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc) phấn khởi cho biết: Việc đăng tải miễn phí thông tin ứng tuyển trên website và fanpage của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giúp người lao động nhanh chóng tìm kiếm được việc làm mới phù hợp, lựa chọn được môi trường làm việc tốt, đây là sự hỗ trợ rất thiết thực với lao động trẻ.

Dưới góc độ nhà tuyển dụng, bà Hoàng Thị Minh Ngọc - Giám đốc chuyên trang tuyển dụng Việc làm tốt (TPHCM), đánh giá kết nối cung - cầu lao động đang là vấn đề cần quan tâm hiện nay. Nhiều người lao động có nhu cầu tìm việc vẫn chưa tiếp cận được những kênh tuyển dụng chính thống, trong khi DN có nhu cầu tuyển dụng vẫn phải trông đợi vào những phiên giao dịch việc làm theo định kỳ, bộ phận tuyển dụng nhân sự của công ty... Đây là nguyên nhân khiến nhiều DN dù có nhu cầu thực sự vẫn không tuyển đủ lao động.

Xu thế tuyển dụng công nghệ số đang được DN và người lao động lựa chọn vì sự tiện ích cũng như hiệu quả của nó đem lại. Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và DN cần có chính sách xây dựng những nền tảng trực tuyến chuyên nghiệp, kết nối tuyển dụng nhanh chóng, trở thành những địa chỉ tin cậy để người tìm việc và nhà tuyển dụng gặp nhau nhanh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường lao động: Đa dạng nhu cầu tuyển dụng