Xã hội

Thị trường lao động: Ổn định sau kỳ nghỉ Tết

Lê Bảo 19/02/2024 07:18

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội dự báo, số lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tiếp tục tăng, do hầu hết các doanh nghiệp sẽ mở xưởng làm việc từ ngày 19/2 (tức ngày mùng 10 Tết).

anhbaitren(1).jpg
Chuyến xe đón công nhân trở lại Hà Nội làm việc. Ảnh: Hà Phong.

Gần 90% lao động quay lại sản xuất

Báo cáo tình hình quan hệ lao động trước và trong Tết, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình lao động trên địa bàn Thủ đô ổn định. Theo báo cáo của các cấp Công đoàn thành phố, tính đến ngày 15/2/2024 (tức ngày mùng 6 Tết), đã có hơn 80% doanh nghiệp (DN) mở xưởng để sản xuất với gần 90% số công nhân lao động trở lại làm việc.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam Ida Shuji cho biết, trong ngày làm việc đầu năm mới đã có khoảng 3.360 người lao động quay trở lại làm việc (khoảng gần 70% lực lượng lao động); do tình hình thiếu đơn hàng và nhiều người lao động xin nghỉ thêm nên chưa đủ 100% lực lượng lao động có mặt tại công ty.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Halas Việt Nam, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, trên 90% người lao động đã có mặt tại vị trí sản xuất trừ một số người lao động thuộc bộ phận giao nhận, vận chuyển đang làm việc phân tán.

Tại Công ty cổ phần Thăng Long TALIMEX, ông Trần Việt Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cho biết, năm 2023, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, sức tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có mặt hàng may mặc yếu, làm ảnh hưởng đến sản lượng của mỗi mã hàng giảm, đơn giá gia công giảm 20%. Do đó, có nhiều công nhân lao động phải nghỉ việc luân phiên, nghỉ giãn cách. Bên cạnh đó, giá các nguyên, nhiên, phụ liệu tăng làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của công nhân lao động, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Mặc dù vậy, công ty luôn phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Các chế độ chính sách đối với người lao động được thực hiện đầy đủ, 100% người lao động được ký hợp đồng, tham gia bảo hiểm xã hội.

“Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chi lương, thưởng Tết, công khai sớm cho người lao động, đảm bảo 100% người lao động đều có Tết. Trong đó, dịp Tết Nguyên đán, mỗi lao động đều được các phần thưởng Tết bao gồm: thưởng chuyên cần, thưởng thâm niên, tháng lương thứ 13, được nhận quà Tết. Ngoài ra Ban Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn cũng đã tổ chức “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”, tạo không khí Tết ấm áp, vui tươi cho đoàn viên, người lao động. Nhờ đó đến mùng 6 Tết 100 % lao động đã có mặt tại nhà máy” - ông Dũng cho biết.

Quan hệ lao động hài hòa, ổn định

Đánh giá về tình hình quan hệ lao động trước và trong Tết, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, Công đoàn luôn mong muốn có việc làm đầy đủ cho người lao động. Vì vậy, ngoài việc chăm lo cho người lao động có một cái Tết ấm áp, Công đoàn đã vận động DN mở rộng sản xuất. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người lao động trở lại làm việc đúng thời gian, làm việc nghiêm túc từ ngày làm việc đầu tiên, để tạo không khí phấn khởi, hăng say. Thông qua đó, góp phần tạo động lực cho một năm mới thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho công nhân lao động. Đặc biệt, ra Tết, thành phố đã tổ chức 6 chuyến xe đón trên 200 công nhân lao động ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An quay trở lại Hà Nội làm việc.

Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho biết, năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn, song việc làm, thu nhập, đời sống của lao động ngành Dệt - May Hà Nội vẫn được duy trì ổn định, từng bước cải thiện và nâng lên, thu nhập bình quân người lao động đạt 6.900.000 đồng/người/tháng. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Công đoàn ngành và các Công đoàn cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo chu đáo cho đoàn viên, người lao động như: Tặng quà, trao trợ cấp, hỗ trợ vé xe, tổ chức xe đưa công nhân về quê ăn Tết… Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, đã có 46/62 (70,96%%) đơn vị, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, tỉ lệ công nhân lao động trở lại làm việc đạt 91,29%.

Sở LĐTBXH Hà Nội dự báo quý I/2024, các DN trên địa bàn thành phố sẽ tuyển dụng khoảng 100 nghìn lao động. Điều này thể hiện qua việc đăng ký tuyển dụng thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng mạnh giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Từ giáp Tết đến nay thị trường lao động ở Hà Nội đã trở nên sôi động và đa dạng về phân khúc tuyển dụng.

Báo cáo triển vọng thị trường lao động năm 2024 cho thấy, dù có những biến động trong thị trường tuyển dụng, nhưng 59,1% doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ tuyển dụng thêm khoảng 25% nhân sự trong năm 2024. Dự báo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có thể lên đến hàng trăm nghìn người trong quý I/2024. Theo các chuyên gia lao động, thị trường lao động Việt Nam từ đầu năm 2024 đã có sự tiến triển khi nhiều doanh nghiệp có đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và các dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường lao động: Ổn định sau kỳ nghỉ Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO