Thị trường lao động, việc làm khởi sắc

LÊ ANH 29/09/2023 14:00

Dù quá trình phục hồi còn chậm, nhưng với tín hiệu tích cực từ xuất - nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, thị trường lao động, việc làm TPHCM đang khởi sắc trở lại, dự báo thành phố cần khoảng 75.500 - 81.500 chỗ làm việc mới từ nay đến cuối năm.

Cử nhân các ngành khoa học công nghệ tìm hiểu cơ hội việc làm tại Ngày hội vệc làm Khu Công nghệ cao TPHCM lần 1 năm 2023. Ảnh: Hồng Phúc.

Thị trường đang sôi động trở lại

Khảo sát chất lượng lao động và nhu cầu sử dụng lao động tại gần 10.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) cho biết, 3 tháng cuối năm thị trường lao động sôi động trở lại, với nhu cầu nhân lực từ 75.500 - 81.500 chỗ làm việc mới. Trong số này, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu nhân lực, còn lại là gần 30% nhu cầu khu vực công nghiệp - xây dựng.

Khảo sát của FALMI cũng nhận định, những tháng cuối năm nay, do tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng lao động cao sẽ còn khó khăn do thiếu đơn hàng và thiếu vốn để xoay vòng sản xuất. Dù vậy, các tín hiệu rất tích cực của thị trường sẽ giúp kinh tế TPHCM bước vào giai đoạn hồi phục và khởi sắc. Bởi vì, theo FALMI thời gian trước đó, thành phố có tới 1.242 DN lên kế hoạch dự kiến cắt giảm việc làm của lao động trong năm 2023, chiếm tỷ lệ tới 12,73% tổng DN khảo sát (hơn 9.700 đơn vị, với khoảng 233.000 lao động đang làm việc). Việc cắt giảm lao động do áp lực thiếu đơn hàng và khó khăn về vốn để có thể tái sản xuất. Do đó, nhiều DN đã phải lựa chọn các hình thức cắt giảm lao động, như giảm giờ làm việc trong ngày; cho lao động nghỉ luân phiên các ngày trong tuần (khoảng hơn 800 DN, chiếm gần 62% số đơn bị có dự kiến cắt giảm).

Trước đó, báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM cũng ghi nhận nhiều DN cắt giảm số lượng lao động lớn trên địa bàn thành phố, trong đó có trường hợp Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất giày, tại quận Bình Tân, TPHCM) tiếp tục phải thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với 1.230 lao động. Đây là lần thứ 3 trong năm nay PauYuen phải cắt giảm lao động, với tổng số lao động mất việc lên tới hơn 9.000 người.

Ngoài DN này, Công ty TNHH Nobland Việt Nam (KCN Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM) cũng thông báo sẽ cắt giảm số lượng lớn công nhân lao động nhưng đang vấp phải phản ứng lớn từ người lao động và cũng chưa được sự đồng thuận của cơ quan chức năng TPHCM. Hiện nay, phía công ty buộc phải tạm dừng phương án giảm lao động để phối hợp với các ban ngành thành phố rà soát, tìm cách tháo gỡ. Tính chung trên toàn địa bàn TPHCM trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM cho biết, thành phố đã ghi nhận hơn 82.500 người lao động nghỉ việc, đã làm hồ sơ đề nghị được trợ cấp thất nghiệp (tăng hơn 5.000 người so với cùng kỳ năm trước). Đây là giai đoạn khó khăn của TPHCM khi thị trường lao động trở thành tâm điểm chú ý, nhất là bối cảnh chịu tác động từ sụt giảm kinh tế chung toàn cầu.

Với việc có nhiều tín hiệu phục hồi và khởi sắc trở lại, với nguồn cầu khoảng 75.500-81.500 chỗ làm việc mới trong quý IV/2023, thị trường lao động, việc làm TPHCM dự kiến sẽ giúp giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động mất việc hoặc đang chờ việc làm mới.

Nhiều ngành có cơ hội phát triển mạnh

Về vấn đề này, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Quản lý và Kinh tế TPHCM nhận định, đây là xu hướng khách quan khi Việt Nam và Hoa Kỳ vừa đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng khi xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Do đó, không chỉ có hàng trăm DN Hoa Kỳ sẽ đổ dòng vốn vào thị trường Việt Nam thời gian tới, mà kèm theo đó sẽ là các quốc gia đang có chung các hợp tác song phương với Hoa Kỳ và Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia EU,… “Chắc chắn các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, các ngành có hàm lượng chất xám cao, như công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện, thương mại điện tử…sẽ có cơ hội phát triển cực lớn để thay thế cho các ngành thâm hụt lao động cao, nhưng có rủi ro lớn khi thực hiện các đợt cắt giảm lao động như thời gian vừa qua” – vị chuyên gia phân tích.

Để đón đầu xu hướng phát triển mới, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, UBND thành phố đang tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2025. Đề án này đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đối với 8 ngành mũi nhọn, bao gồm CNTT - truyền thông; Cơ khí - tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, để thực hiện đề án lớn này, hiện nay thành phố đang đặt hàng các cơ sở giáo dục đại học chủ trì thiết kế, xây dựng 9 đề án thành phần, tương ứng với 8 ngành đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và một đề án đại học chia sẻ. Với đề án đào tạo nhân lực 8 ngành có trình độ quốc tế và đề án xây dựng TPHCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khu vực và quốc tế, TPHCM sẽ tạo hành lang cơ chế tốt nhất, kèm theo cơ chế đặt hàng, và coi đây là 2 nhiệm vụ cấp bách của TPHCM đến năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường lao động, việc làm khởi sắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO