Thị trường nông thôn: Tiềm năng chưa được đánh thức

Minh Phương 19/07/2017 08:00

Gần 70% người dân sống ở khu vực nông thôn, vì thế có thể coi đây là thị trường tiêu thụ hàng hóa hấp dẫn. Thế nhưng tiềm năng của khu vực này vẫn chưa được chú ý đúng mức. Trong khi đó, một điều tra của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho ra một kết quả khá bất ngờ: quý I năm 2017, mức tăng trưởng ở khu vực nông thôn đạt 12,4%, đóng góp 51% vào tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh. Trong khi đó tăng trưởng ở khu vực thành thị chỉ đạt mức 6,5%.

Hàng Việt về nông thôn.

Có tâm sẽ đạt

Chiếm khoảng 68% trong số 90 triệu dân, khu vực tiêu dùng nông thôn được đánh giá là giàu tiềm năng khai thác đối với các doanh nghiệp (DN) Việt. Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, với số dân khổng lồ cùng với sự thịnh vượng ngày càng rõ ràng hơn, vùng nông thôn Việt Nam thực sự là thị trường hấp dẫn...

Nhiều DN cho biết, trước kia họ chú trọng xuất khẩu nhưng sau đó nhận ra rằng, thị trường trong nước với 90 triệu dân, đặc biệt là thị trường nông thôn với khoảng 70% dân số mới chính là thị trường tiềm năng lớn để khai thác.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phi, Giám đốc một DN kinh doanh nhóm Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), nhiều năm liền DN của ông chỉ chú trọng tìm kiếm thị trường nước ngoài, còn trong nước cũng chỉ tập trung vào thị trường thành thị mà bỏ qua hẳn khu vực nông thôn.

Rồi sau đó, ông nhận thấy, người tiêu dùng nông thôn cũng có nhu cầu về các sản phẩm chất lượng tốt không thua kém gì người tiêu dùng ở khu vực thành thị, vậy tại sao không quay sang thị trường này với một lượng dân số lớn giàu tiềm năng như vậy.

Nghĩ là làm, ông Phi đã quay sang tìm hiểu thị trường nông thôn trong nước và tìm cách mở rộng kênh bán hàng đến nhiều địa phương, khu vực vùng sâu vùng xa. Kết quả, sau hơn 5 năm đi sâu vào thị trường trong nước và khu vực nông thôn, quy mô DN của vị giám đốc này đã được mở rộng hơn, doanh thu tăng lên gấp 10 lần.

Vẫn theo vị giám đốc DN, nhu cầu tiêu dùng của thị trường nông thôn rất lớn, trong khi đó kênh bán hàng truyển thống (chợ, cửa hàng đại lý…) vẫn luôn là thế mạnh ở khu vực nông thôn, cộng thêm việc nắm rõ tâm lý tiêu dùng của người dân nông thôn, do đó, các DN Việt sẽ có lợi thế hơn khi nhắm vào khu vực này.

“Đừng nghĩ người nông thôn họ chỉ tìm dòng sản phẩm phân khúc thấp giá rẻ, họ cũng rất chú trọng hàng chất lượng tốt, giá cao và có xuất xứ rõ ràng” – ông Phi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thực tế không phải DN nào cũng có hướng đi giống như DN của ông Phi. Phần lớn các DN hiện nay chỉ chú trọng vào thị trường thành thị và xuất khẩu mà bỏ qua khu vực nông thôn. Điều này, theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, các DN đang bỏ qua một thị trường giàu tiềm năng rất uổng phí.

Thị trường nông thôn đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt.

Cơ hội cho doanh nghiệp

Một con số điều tra của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết một kết quả khá bất ngờ, trong quý I năm 2017, mức tăng trưởng ở khu vực nông thôn đạt 12,4%, đóng góp 51% vào tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh trong khi đó, tăng trưởng ở khu vực thành thị chỉ đạt mức 6,5%.

Nghiên cứu kỹ hơn ở từng phân khúc để xem sự tăng trưởng thực sự đến từ đâu, thì dữ liệu của Nielsen cho thấy các dòng sản phẩm phổ thông và cao cấp là 2 nguồn đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh ở nông thôn, với gần 40% và 38.5% tương ứng cho từng dòng sản phẩm.

Ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ - Nielsen Việt Nam nhận định: “Rõ ràng là có rất nhiều cơ hội cho các sản phẩm có thể đáp ứng được những khát vọng của người tiêu dùng nông thôn và nhằm giúp họ đáp ứng được mục tiêu nâng cao cuộc sống. Vì khi quan sát dữ liệu đo lường bán lẻ của Nielsen, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu ở phân khúc bình dân và phân khúc cao cấp của người tiêu dùng nông thôn cao hơn hẳn so với các phân khúc còn lại”.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Điều đáng ngạc nhiên là người tiêu dùng nông thôn không chỉ mong đợi các sản phẩm tốt, có chất lượng cao mà họ sẵn sàng chủ động tìm kiếm để sở hữu chúng. Vì vậy, nếu các nhà sản xuất chỉ tập trung vào việc đẩy các sản phẩm phổ thông đến vùng nông thôn, thì họ đang bỏ lỡ cơ hội sinh lợi khổng lồ mà khu vực này mang lại”.

Theo nghiên cứu của Nielsen, 77% người tiêu dùng nông thôn muốn được thử sử dụng các sản phẩm mới và 95% đánh giá cao việc có nhiều loại sản phẩm để lựa chọn. Đây chính là động lực dẫn đến việc các sản phẩm mới khi tung ra tại thị trường nông thôn cho thấy sự tăng trưởng tốt hơn so với hiệu quả kinh doanh của những sản phẩm tương tự tại 6 thành phố chính.

Nhận định về khu vực nông thôn - thị trường giàu tiềm năng khai thác đối với các DN Việt và cũng là nơi mà nhiều DN ngoại đang “nhòm ngó”, TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, lợi thế của các DN Việt là hiểu rõ tập quán tiêu dùng, truyền thống văn hoá của người Việt.

Thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn là mua hàng ở các chợ truyền thống, chợ dân sinh, nhưng theo xu hướng các cửa hàng tiện lợi sẽ xuất hiện ngày một nhiều. Bởi vậy, các DN Việt phải nắm bắt được tâm lý này của người tiêu dùng để vừa phát triển theo hình thức kinh doanh mới của các siêu thị để giữ thị phần, vừa tiếp tục duy trì hệ thống phân phối bán lẻ ở các chợ lớn, chợ nhỏ.

“Chợ Việt Nam là một loại hình truyền thống, có thể phát triển hệ thống phân phối bán lẻ đến từng ngõ ngách, thị trường nông thôn, điều mà hệ thống siêu thị khó có thể làm được và cũng là thế mạnh mà các DN trong nước cần khai thác” – TS Loan nhấn mạnh.

Hiểu rõ tâm lý tiêu dùng và nắm bắt xu hướng cũng như thế mạnh của mỗi khu vực là điều giúp các DN đi đến thành công. Bởi vậy, theo khuyến cáo của giới chuyên gia kinh tế, khi cộng đồng nông thôn Việt Nam tiếp tục phát triển, chuyển đổi và dần trở thành trọng tâm đối với các DN, thì việc hiểu rõ họ là ai, họ mua sắm những gì, đâu là nơi họ mua sắm nhiều nhất và họ mua sắm như thế nào và đâu là những điểm tiếp xúc hiệu quả nhất chính là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của DN trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường nông thôn: Tiềm năng chưa được đánh thức