Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam được đánh giá là màu mỡ, thế nhưng doanh nghiệp nội lại không làm chủ được thị trường, thậm chí đang cắt giảm công suất, thu hẹp thị phần. Ưu thế trên thị trường hiện nay đang nghiêng hẳn về các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại.
Doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trước áp lực cạnh tranh.
Thâu tóm thị trường
Theo báo cáo của Grand View Research, đến năm 2020 quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ đạt mức 10,55 tỷ USD và cần tới 25 – 26 triệu tấn thức ăn chăn nuôi. Mấy năm gần đây ngành này tăng trưởng, phát triển tốt với mức tăng 13 – 15%/năm.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu như năm 2010 sản lượng thức ăn gia súc, gia cầm công nghiệp chỉ 10.598.633 tấn thì đến năm 2016 đạt trên 20.000.000 tấn.
Dựa trên sự phát triển của thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thấy, tiềm năng của thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam được đánh giá khá màu mỡ.
Nhưng hiện tại, DN nội lại không làm chủ được thị trường, thậm chí đang cắt giảm công suất, thu hẹp thị phần. Ưu thế trên thị trường hiện nay đang nghiêng hẳn về các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Hoàng Hương Giang - phó trưởng phòng thức ăn chăn nuôi - Cục Chăn nuôi cho hay, cả nước hiện có khoảng 218 DN ngoại - nội sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất khoảng 28.200 tấn/năm; trong đó, có 71 DN FDI và 147 DN Việt.
Mặc dù DN Việt nổi trội hơn hẳn khi số lượng gấp đôi DN ngoại, tuy nhiên xét về công suất và thị phần thì DN nội đang chịu tình cảnh lép vế.
Công suất sản xuất của DN Việt khoảng 12.465 tấn/năm, còn DN FDI có công suất trên 15.700 tấn/năm; chiếm 60 – 65% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra.
Thời gian qua, rất nhiều DN nước ngoài như CP Group (Thái Lan), De Heus (Hà Lan), Cargill (Hoa Kỳ) … đã lấn lướt sản xuất, xây mới nhà máy, mở rộng hoạt động kinh doanh trên khắp cả nước.
Điển hình, Cargill Việt Nam đánh dấu việc vận hành dây chuyền sản xuất cám thủy sản thứ 10 tại tỉnh Hà Nam.
Có thâm niên hơn trong hoạt động đầu tư sản xuất thức ăn chăn nôi, Công ty cổ phần CP Việt Nam liên tục lớn mạnh sau nhiều năm liền.
Đại diện phía công ty cho biết, sau hơn 20 năm vào Việt Nam, CP đang sở hữu 4 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (công suất mỗi nhà máy trên 400.000 tấn/năm) đặt tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Định.
Các sản phẩm của công ty được phân phối rộng rãi từ Bắc đến Nam và được đông đảo khách hàng lựa chọn và đón nhận.
Cạnh tranh gay gắt
Được đánh giá có thị trường thức ăn chăn nuôi màu mỡ, DN ngoại liên tục chủ động phát triển hoạt động sản xuất với mong muốn chiếm lĩnh thị trường. DN ngoại tăng vốn đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại nhằm giảm chi phí đầu vào…
Không để “thua chị kém em”, nỗ lực chiếm lĩnh và trụ vững trên thị trường thức ăn chăn nuôi, không ít DN Việt tìm kế phát triển. Đơn cử như Sao Mai Group (An Giang) trỗi dậy bằng kế hoạch đầu tư mạnh vào nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản.
Mới đây, cuối tháng 11/2017, Sao Mai Group đưa vào hoạt động nhà máy Sao Mai Super Feed tại Đồng Tháp, công suất 360.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng.
Dù cố gắng chạy đua với DN FDI, để giành thị phần nhưng DN nội vẫn chịu cảnh lép vế.
Nguyên nhân quan trọng gây khó cho DN nội là tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuỗi diễn ra từ lâu. Đơn cử, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 8,3 triệu tấn ngô, 1,56 triệu tấn đậu nành…
Ngoài ra, trong 2 năm trở lại đây, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản luôn biến động theo chiều hướng đi xuống, thị trường lâm vào tình trạng khó khăn buộc DN nội phải giảm công suất, co cụm thị trường.
Ông Đoàn Viết Cường - tổng giám đốc công ty cổ phần Thanh niên xung phong (Adeco - TP HCM) thừa nhận, do ảnh hưởng bởi tình hình chăn nuôi biến động nên việc bán thức ăn chăn nuôi cho các hộ nông dân gặp nhiều rủi ro.
Hoạt động chăn nuôi trì trệ nguy cơ mất vốn dễ dàng xảy ra. Để hạn chế những rủi ro không đáng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2017 Adeco phải giảm công suất sản xuất xuống còn 1.000 tấn.
Hiện sản phẩm làm ra chỉ để cung cấp cho hệ thống chăn nuôi của công ty chứ không còn bán rộng rãi ra thị trường như trước đây.
Không riêng gì Adeco, một số DN như Hùng Vương, Anco, Proconco… cũng đang cắt giảm tối đa chi phí giá thành, gia tăng năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, nhiều DN lên kế hoạch cạnh tranh về giá thành. Theo đó, DN tiến hành bán hàng trực tiếp đến hộ chăn nuôi không qua hệ thống đại lý.