Kinh tế

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Khôi phục niềm tin nhà đầu tư

H.Hương 28/05/2024 07:59

Một điểm mới rõ nét trong chu kỳ phát triển mới của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là hoạt động xếp hạng tín nhiệm và sự tham gia của các công ty xếp hạng tín nhiệm.

anh-bai-tren-tran-7.png
Cần có cơ chế mở hơn cho các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt trong việc phát hành trái phiếu. Nguồn: Stockbiz.

Xếp hạng tín nhiệmtừng loại trái phiếu

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 4/2024, có tổng cộng 13 đợt phát hành TPND riêng lẻ với trị giá 13.940 tỷ đồng. Cùng với đó, các DN đã mua lại 12.001 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 31 đợt phát hành riêng lẻ với trị giá 29.050 tỷ đồng và 6 đợt phát hành ra công chúng với trị giá 8.878 tỷ đồng. Con số này, nếu so với sự “đóng băng” của thị trường trong năm 2023, thì có vẻ thị trường đang ấm dần lên. Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn trước đó thì còn quá thấp.

Trong khi đó, một báo cáo của Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) đã công bố cho thấy năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN đã tham gia xếp hạng tín nhiệm đạt gần 27.000 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2022. Tuy nhiên, sự phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam vẫn ở những bước khởi đầu khi con số này mới chiếm khoảng 9% tổng khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ năm vừa qua. Mặt khác, so với mục tiêu đặt ra về quy mô thị trường TPDN đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.

Sang năm 2024, một trang mới mở ra với thị trường xếp hạng tín nhiệm bởi đây là yêu cầu bắt buộc đối với DN phát hành trái phiếu riêng lẻ ở một số trường hợp theo Nghị định số 65 ngày 16/9/2022 của Chính phủ, dựa trên quy mô và mức độ của hoạt động phát hành TPDN.

Cụ thể, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với DN phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất; hoặc tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.

Theo ông Dương Đức Hiếu - Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu của VIS Rating, điểm mới rõ nét trong chu kỳ phát triển mới của thị trường TPDN là hoạt động xếp hạng tín nhiệm và sự tham gia của các công ty xếp hạng tín nhiệm.

Đây là điểm hoàn toàn chưa diễn ra trong chu kỳ phát triển trước đó, khi xếp hạng tín nhiệm chưa phản ánh hết vấn đề cũng như những biến động nội tại ở DN.

Vẫn theo ông Hiếu, xếp hạng tín nhiệm cũng cần phân loại với từng loại trái phiếu. Điều này có nghĩa xếp hạng tín nhiệm sẽ phân loại chất lượng từng loại trái phiếu dựa trên rủi ro của đơn vị phát hành, mức độ ưu tiên thanh toán của trái phiếu hay dựa trên các biện pháp đảm bảo, tài sản đảm bảo, trái phiếu có bảo lãnh hay không có bảo lãnh. Hiện Việt Nam mới dừng lại ở xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành mà chưa yêu cầu cụ thể xếp hạng từng loại trái phiếu, điều này sẽ cần lưu ý hơn trong giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, việc phân loại chất lượng sản phẩm chưa đem lại nhiều giá trị nếu không phân loại về định giá sản phẩm.

Thông tin đầy đủ để tránh rủi ro

Để thị trường TPDN phát triển, giới chuyên gia khẳng định điều kiện tiên quyết là minh bạch thông tin, bởi nếu không minh bạch thị trường sẽ không thể và không bao giờ phát triển được. Theo đó, phải có thông tin mức độ rủi ro trái phiếu bán trên thị trường, gồm: mức độ rủi ro của tổ chức phát hành, khả năng trả nợ và phải có thông tin đầy đủ về rủi ro của tổ chức phát hành được một bên độc lập cung cấp.

Bà Thái Thị Quỳnh Như - nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư thì quan trọng nhất làm sao vừa minh bạch thông tin, vừa đảm bảo thông tin chính xác tin cậy.

Tuy nhiên, minh bạch nhưng không có độ đảm bảo về mặt pháp lý thì khó. Vì vậy, theo bà Như, cơ quan giám sát phải chặt chẽ tính pháp lý tài sản đảm bảo trước. Với người dân, quyết định lấy tiền tiết kiệm mang đi đầu tư thì tài sản đảm bảo là rất quan trọng. Với tài sản đảm bảo là bất động sản, một số DN đã xảy ra hoặc có xu hướng manh nha không có khả năng chi trả khi có rủi ro xảy ra.

Riêng đối với các nhà đầu tư cá nhân, xếp hạng tín nhiệm là chuẩn mực chung, giúp nhà đầu tư có căn cứ để so sánh công cụ, từ đó đưa ra quyết định sản phẩm để đầu tư. Ngoài ra, trong quá trình theo dõi sản phẩm trái phiếu, kết quả xếp hạng tín nhiệm được cập nhật thường xuyên là thông tin quan trọng để khách hàng có thể quản trị rủi ro hiệu quả.

Đối với các DN phát hành, xếp hạng tín nhiệm cũng quan trọng, kết quả tốt thì DN có thêm lợi thế huy động vốn với chi phí thấp hơn, mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn có chi phí rẻ hơn. Xếp hạng tín nhiệm cũng là công cụ cho DN căn cứ vào đó để định giá cho công cụ tài chính do mình phát hành. Đối với cơ quan quản lý giám sát, xếp hạng tín nhiệm là kênh thông tin không thể thiếu, giúp đưa ra phương pháp giám sát, theo dõi phù hợp cả một chu trình mà công cụ nợ sẽ tồn tại.

Để tăng cường sự minh bạch thông tin của các DN, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó trưởng Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), thông tin từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cung cấp độc lập, khách quan là yếu tố quan trọng cho khách hàng đầu tư vào TPDN. Ngoài ra, có nhiều bên liên quan khác cần thông tin liên quan đến xếp hạng tín nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Khôi phục niềm tin nhà đầu tư