Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã đưa ra nhiều giải pháp để can thiệp thị trường vàng, song nhu cầu mua vàng vẫn lên cao khi tại các điểm bán vàng người dân đứng xếp hàng dài chờ đợi.
Cần tăng cung cho thị trường
Theo chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đi đúng hướng trong bình ổn thị trường vàng, song cần các giải pháp quyết liệt, rốt ráo hơn nữa. Các giải pháp hiện nay vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần tăng cung hợp lý cho thị trường vàng, cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng. NHNN cũng nên bỏ độc quyền xuất nhập khẩu vàng và độc quyền sản xuất vàng, đồng thời sửa đổi toàn diện Nghị định 24/2012 của Chính phủ.
Tới nay, sau hơn 1 tuần thực hiện triển khai phương án bình ổn giá vàng, bằng cách bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC, đã nhanh chóng hạ giá vàng từ đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng được thiết lập vào ngày 10/5 để nay chỉ về quanh vùng 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tuy nhiên, đáng lưu ý khi vẫn ghi nhận lượng người mua vàng tăng vọt, kéo theo việc mua vàng cũng trở nên khó khăn, chưa kể tình trạng vàng hai giá cũng xuất hiện. Một khách hàng có tên T.N. (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) kể câu chuyện đi mua vàng trong bức xúc: sáng 11/6 đi đến điểm bán vàng của Agribank để mua vàng thì không tài nào vào được bên trong nơi giao dịch. Cả buổi sáng, muốn hỏi mua vàng thì bị người này cản, người khác cản. Rất ít người dân vào được bên trong để mua được vàng. “Mua vàng mà xếp hàng, chờ đợi, rồi chẳng biết mình có đến lượt mà mua được hay không. Tôi chẳng có nhu cầu tích trữ, nhà có việc cần dùng vàng thì mới phải đi mua. Thời buổi thị trường mà có tiền cũng khó mua vàng” - chị N. nói.
Một khách hàng khác cũng chia sẻ, có tiền muốn mua vàng cũng khó khi thường xuyên thấy cảnh xếp hàng, chen chúc chờ ở ngoài sảnh ngân hàng cả buổi sáng vẫn không mua được vàng.
Theo ghi nhận, tại nhiều điểm bán vàng của ngân hàng, hàng dài người chen chúc chờ mua vàng.
Tại các điểm bán vàng của 4 ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank, những ngày qua người dân vẫn xếp hàng từ sớm chờ lấy số thứ tự để mua vàng giá bình ổn. Không ít người, đã bỏ dở công việc, kiên nhẫn xếp hàng liên tiếp 2-3 ngày để có thể mua được vàng miếng SJC. Tại Hà Nội, sáng 11/6, số người xếp hàng mua vàng quá đông gây nên cảnh ùn tắc khủng khiếp trước cửa các điểm ngân hàng thương mại mở bán. Người ta rỉ tai nhau thông tin giá vàng chỉ bình ổn một thời gian ngắn rồi lại nổi sóng như thời điểm trước nên lượng người đổ về các điểm bán vàng rất đông. Vì thế, thời gian chờ đợi để mua được vàng kéo dài.
Tại cửa hàng SJC 18 Trần Nhân Tông (Hà Nội) từ 8 giờ 30 sáng ngày 11/6 đã có đến cả trăm người dân xếp hàng chờ mua vàng, tràn xuống cả vỉa hè. Có nhiều người đến từ các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng… Tại một số điểm bán vàng như Agribank ở số 2 Láng Hạ, BIDV 74 ở Thợ Nhuộm, Vietcombank ở Láng Hạ (Hà Nội)... số người xếp hàng cũng rất đông. Tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường.
Nghiên cứu đánh thuế giao dịch vàng
Theo TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lúc này người dân cần hết sức thận trọng vì chỉ một động thái Ngân hàng trung ương Trung Quốc ngừng mua vàng cho dự trữ của họ thì giá vàng mỗi đêm giảm xuống từ 80 đến 100 USD, cũng như nhiều biến số kinh tế của Mỹ và Châu Âu…
“Dĩ nhiên, tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán vàng nhưng người dân nên thận trọng. Người dân chỉ nên mua ít, nếu mua nhiều mà giá xuống nhiều thì chúng ta phải gánh những khoản lỗ do chính công sức chúng ta tạo ra” - TS Phước khuyến cáo.
Để quản lý thị trường vàng, nhiều chuyên gia còn đề xuất đánh thuế giao dịch vàng. PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.
Theo bà Mùi, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Giải pháp trên cũng có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng. Bên cạnh đó việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợ
Cùng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, giữa việc nhập khẩu vàng vào làm vàng nguyên liệu cho việc chế biến trang sức và nhập khẩu vào làm vàng miếng trao đổi thì hai mục tiêu này khác nhau nhưng dù thế nào thì cũng phải thu thuế.
TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.
TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế. Theo ông Phước, thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ Nhà nước nào. Bất động sản hay vàng hay bất kỳ nguồn thu nào khác. “Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng” - ông Phước nói.