Kinh tế

Thị trường vàng sau cơn bão giá

Duy Khang 07/01/2024 10:35

Thị trường vàng cuối năm 2023 tạo một cơn bão lớn khiến nhà đầu tư không khỏi bất ngờ. Đến thời điểm này, khi đã qua 1 tuần đầu năm mới 2024, vàng đã ghi nhận một kỷ lục mới về giá khi “bám chặt” ở mức 74-75 triệu đồng/lượng.

vang.jpeg
Giá vàng miếng liên tục leo thang những ngày cuối năm 2023. ẢNH: QUANG VINH.

“Cơn sốt giá vàng”

Nhìn lại một năm của thị trường kim loại quý này, không ít nhà đầu tư cảm thấy tiếc nuối vì đã không lựa chọn kênh này để đổ tiền vào từ đầu năm. Quả thực, quay trở lại quá trình đi lên của giá vàng, từ mức 67,4 triệu đồng/lượng (ngày 15/1/2023) giá vàng đã vọt lên mức 80,3 triệu đồng/lượng vào những ngày cuối tháng 12 của năm Quý Mão. Dù sau đó, mức này đã vội vã lao dốc ngay, song cũng không thể trở về được mức giá 66 - 67 triệu đồng/lượng trước đó, mà liên tục neo quanh con số 75 - 76 triệu đồng/lượng kể từ cuối năm 2023 đến nay. Có thể khẳng định rằng, ở thời điểm này, giá kim loại quý đã xô đổ kỷ lục 74 triệu đồng/lượng từng lập hồi tháng 3/2022.

Cơn bão giá vàng kéo đến ở thời điểm nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Theo ghi nhận của Hội đồng vàng thế giới (WGC) năm 2023, bất chấp môi trường lãi suất cao, vàng đã có hiệu suất tốt vượt trội so với thị trường hàng hoá, cổ phiếu và trái phiếu. Theo dự đoán của WGC, trong năm 2024, nhiều nước lớn bước vào giai đoạn bầu cử trong khi căng thẳng địa chính trị vẫn tăng cao, kết hợp với việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tiếp tục có nhu cầu cao về vàng, điều này sẽ đẩy giá vàng tăng kỷ lục.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều lần giá vàng biến động mạnh. Thực tế cho thấy, khi vàng thế giới tăng giá, lập tức giá vàng trong nước tăng theo như là một lẽ tất nhiên. Thế nhưng, ngược lại với quy luật chung, kể cả giá vàng thế giới có “giảm sốt”, thì giá vàng trong nước vẫn yên vị, hoàn toàn không “té nước” theo giá thế giới như khi giá vàng thế giới tăng. Có lẽ, chính vì “quy luật” này nên giá vàng thời gian qua đã liên tục leo thang theo hướng thẳng đứng.

Ghi nhận trong ngày cuối tuần đầu của tháng 1/2024, giá vàng SJC giao động quanh mức 74 - 75 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu so với thời điểm đầu năm 2023, giá vàng ở mức 67 triệu đồng/lượng thì đến nay giá vàng có thời điểm đã tăng lên hơn 13 triệu đồng/lượng.

Giá vàng bật tăng mạnh như vậy, thế nhưng khác với những lần vàng dậy sóng trước đó, trên thị trường hầu như không có sự xáo trộn đáng kể. Thị trường vàng chỉ chứng kiến một số nhà đầu tư gom tiền mua vào, không nhiều nhà đầu tư mang kim loại quý bán ra.

Nhận định về “cơn bão” giá vàng, giới chuyên gia cho rằng, do nhiều năm qua, vàng miếng SJC không được sản xuất thêm nên loại vàng này trở nên khan hiếm. Vì thế, khi giá vàng thế giới tăng, các đầu mối lớn trong nước (thường không lộ diện) mạnh tay mua vào. Chính việc mạnh tay này đã góp phần đẩy giá vàng miếng SJC đi lên. Lực mua càng mạnh, giá càng tăng cao, thậm chí cao hơn giá vàng thế giới tới cả chục triệu đồng/lượng. Do Việt Nam không nhập khẩu vàng nên các doanh nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn, vàng nữ trang. Vì thế, khi nguồn cung vàng nguyên liệu trôi nổi bị gián đoạn, giá vàng nhẫn trơn cũng bị đẩy cao hơn giá thế giới tới vài triệu đồng/lượng.

Giới kinh doanh vàng thì lý giải, cứ mỗi lần vàng SJC thiết lập mức giá mới, họ phải mua vào với giá cao hơn, và vì thế càng đẩy giá vàng miếng SJC tăng mạnh.

Thị trường vàng trong nước còn bất thường ở chỗ nhu cầu mua bán không có sự đột biến trong khi giá vàng thì liên tục được đẩy lên cao. Băn khoăn về điều này, chủ một tiệm vàng ở phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đặt câu hỏi: Rõ ràng, sức mua không đột biến, vậy các doanh nghiệp lớn đã mua vàng miếng SJC giá cao từ đâu? Phải chăng họ đang nắm giữ số lượng lớn vàng SJC, tranh thủ sức mua nóng lên để làm giá.

Chặn cơn bão giá

“Cơn bão giá vàng” chỉ dừng lại khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp quản lý thị trường vàng gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ ngành, trong đó yêu cầu điều hành giá trong nước theo thị trường, không để chênh cao với quốc tế.

Theo đó, sau khi có “lệnh” từ cơ quan quản lý, giá vàng ngay lập tức hạ nhiệt. Từ mức đỉnh điểm 80,3 triệu đồng/lượng vào ngày 26/12/2023, giá vàng đã lao dốc còn 79 triệu đồng/lượng trong ngày 28/12/2023. Và tuần đầu tháng 1 của năm 2024, giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước đã hạ nhiệt cấp tốc, bám quanh mức 74 - 75 triệu đồng/lượng.

Trao đổi với báo giới về câu chuyện của giá vàng, ông Đinh Nho Bảng - Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) cho hay, giá vàng trong nước tăng không phải do người dân mua quá nhiều mà chủ yếu do khan hiếm vàng miếng SJC. “Nghị định 24 không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, trong khi NHNN độc quyền nhập khẩu nhưng nhiều năm qua lại không nhập. Từ đó, một số doanh nghiệp phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, làm cho vàng SJC ngày càng khan hiếm” – ông Bảng phân tích.

Với những diễn biến của thị trường vàng, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 24 về hoạt động kinh doanh vàng đến thời điểm này đã bộc lộ những điểm “lệch pha” so với nền kinh tế thị trường.

Nhiều ý kiến đánh giá, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 24, những hạn chế nảy sinh, từ việc cản trở nhập khẩu vàng, đã gây ra sự khan hiếm của loại vàng SJC và chênh lệch giá so với thị trường quốc tế. Điều này tạo ra một vấn đề là ngăn chặn các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu trong khi Ngân hàng Nhà nước có quyền độc quyền nhập khẩu nhưng lại không tiến hành việc này. Kết quả, nguồn cung vàng giảm, đặc biệt khi một số doanh nghiệp phải sử dụng vàng SJC cho sản xuất vàng trang sức... Thiếu cung ắt sẽ sẽ đẩy cầu và từ đó là những biến động về giá.

Rõ ràng những bất cập từ Nghị định 24 đã bộc lộ khá rõ nét, do đó cần thiết phải sửa đổi Nghị định 24. Theo ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng. Ông Tuấn nhận định, Nghị định 24/2012 của Chính phủ về hoạt động kinh doanh vàng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ. Thực tế cho thấy, hơn chục năm qua, dù giá vàng tăng giảm thất thường song tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng. “Đây là cơ sở chứng minh mục tiêu Nghị định 24 cơ bản hoàn thành. Đến nay, cần xem xét tình hình mới để có những điều chỉnh phù hợp” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Còn theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mục tiêu của Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, cần phải sửa Nghị định 24 vì Nghị định này đã ra đời cách đây 11 năm, có vai trò lịch sử nhất định song điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi. Ông Tú nhấn mạnh: “Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá cả vàng miếng. Tuy nhiên, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác”.

“Vàng miếng SJC được công nhận là thương hiệu quốc gia đã giúp ổn định thị trường vàng một thời gian dài, tuy nhiên, ở thời điểm này, diễn biến của nền kinh tế đã khác, Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng, nên cần theo quy luật của kinh tế thị trường. Bởi vậy, cần xóa bỏ độc quyền để thị trường bình đẳng hơn. Ngân hàng Nhà nước có thể sớm xem xét cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và sửa Nghị định 24 theo hướng thị trường hơn”

Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu

Để chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp, bình ổn thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định 02/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN Việt Nam.

Quyết định 02 có hiệu lực kể từ ngày 02/01/2024, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng và bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc NHNN trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN.

Thống đốc NHNN ủy quyền cho Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ ký Quyết định thành lập Tổ giám sát của NHNN để giám sát việc gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu. Vụ Kiểm toán nội bộ có trách nhiệm làm đầu mối xây dựng và trình Thống đốc phê duyệt Quy chế giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu của NHNN. Ban hành Quyết định thành lập Tổ giám sát gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của NHNN. Đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra công tác giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC của Tổ giám sát hoạt động gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của NHNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường vàng sau cơn bão giá