Giá vàng miếng thương hiệu SJC đã ổn định trong nhiều ngày qua. Chênh lệch giá vàng trên thị trường tự do và các ngân hàng được rút ngắn chỉ còn 500.000 đồng/lượng.
Mua vàng vẫn khó
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng trực tiếp thông qua 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC để các doanh nghiệp này bán lại cho người dân đã khiến thị trường vàng trong nước hơn hai tháng giảm về giá cũng như giảm chênh lệch với giá vàng thế giới.
Hiện nay, giá vàng được giao dịch quanh mốc 78 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra 80 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn có bước tăng đáng kể khoảng 500 - 700 nghìn đồng mỗi lượng, tiến sát giá vàng SJC. Theo đó, giá vàng nhẫn 9999 của SJC chốt phiên ngày 17/8 ở mức giá 77 - 78,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Vàng nhẫn PNJ 77 - 78,39 triệu đồng/lượng; nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 77 - 78,4 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu 77,08 - 78,38 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn trơn Phú Quý 77,05 - 78,35 triệu đồng/lượng.
Như vậy có thể thấy giá vàng nhẫn và vàng thương hiệu quốc gia đang rất sát giá nhau. Giá vàng trong nước không chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới như trước kia nữa. Điều này cho thấy mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới đã gần như được thực hiện xong.
Giá vàng tự do cũng được giao dịch gần với giá vàng được các nhà vàng niêm yết. Khoảng cách chỉ chênh nhau chừng 500.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên, điều đáng bàn do nhu cầu sở hữu vàng vẫn cao nên nhiều người dân vẫn than, khó đăng ký mua được vàng. Dù thời gian qua nhiều ngân hàng cũng tư vấn cho khách hàng mở tài khoản tại chính ngân hàng mua vàng để việc giao dịch được thuận tiện. Song muốn mua được vàng không dễ. Chị N.M.P. (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị đã hai lần đặt mua vàng online nhưng không thành công dù đã điền đầy đủ thông tin.
Nhiều khách hàng trong trường hợp muốn mua vàng gấp đã lên mạng xã hội để tham gia và đăng ký vào các diễn đàn mua bán vàng. Chị N.T.D. (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, chị vừa bán 2 chỉ vàng nhẫn tròn trơn cho bạn. “Thay vì phải ra cửa hàng mất thời gian mà lại giấy tờ phức tạp, tôi nhờ bạn bè hỏi ai có nhu cầu mua 2 chỉ vàng thì liên hệ. Việc bán cũng nhanh và giá cũng hợp lý” – chị D. nói.
Cần để thị trường vàng vận hành theo đúng quy luật
Ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới chia sẻ với báo giới rằng, nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quý II/2024 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 lên 12 tấn. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014. Các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng miếng và vàng xu như kênh lưu trữ an toàn nhằm đối phó với sự gia tăng của lạm phát, đồng nội tệ sụt giảm, hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước. Riêng nhu cầu vàng trang sức sụt giảm một phần do giá cao, một phần do kinh tế tăng trưởng chậm đã tác động đến tâm lý người mua.
Các giải pháp quản lý vàng gần đây của NHNN là nhằm bình ổn thị trường vàng nội địa, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Theo các chuyên gia, vàng không phải là sản phẩm thiết yếu, cũng không phải là hàng hóa hạn chế trao đổi, nên việc quản lý quá chặt chẽ như hiện nay là không cần thiết. Đầu tư vàng cũng là quyền lợi hợp pháp của người dân.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Vàng không phải là sản phẩm thiết yếu hay phục vụ đời sống hàng ngày. Đơn giản, đó chỉ là sản phẩm mà người dân xem như tài sản để tích lũy, là của để dành. Không có quy định nào cấm người dân được mua vàng số lượng lớn, miễn là thực hiện đúng quy định về phòng chống rửa tiền. Việc đưa ra quá nhiều quy định thắt chặt hoạt động mua bán vàng là không hợp lý.
Chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, NHNN không nên mãi can thiệp hành chính vào thị trường vàng. Đã đến lúc cần để thị trường vàng vận hành theo đúng quy luật của nó. Khả năng tình trạng vàng loạn sóng tăng giá như trước đây sẽ không còn nữa. Do đó, NHNN cần xem xét trả lại việc giá vàng cho thị trường quyết định, các nơi có thể bình đẳng với nhau trong mua bán vàng, người dân mua ở đâu cũng được.
Trường hợp NHNN vẫn quyết định tham gia bình ổn, theo ông, nên mở rộng đối tượng bán vàng. Thay vì chỉ 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC như hiện nay, cần có thêm các ngân hàng khác tham gia bán vàng. Những nhà băng này có thể được mua vàng từ NHNN để bán ra, góp phần đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng cần xem xét bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cho nhập vàng nguyên liệu dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp. Có thể cấp quota cho doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu hoặc NHNN trực tiếp đứng ra nhập khẩu, sau đó phân phối lại.
Theo ông Phương, nếu không giải quyết vấn đề vàng nguyên liệu thì hoạt động mua bán vàng ở “chợ đen” sẽ vẫn diễn ra, đẩy rủi ro về phía người dân vì chất lượng không được giám sát.
Ngoài những giải pháp trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các ngân hàng và các doanh nghiệp bán vàng cần minh bạch số lượng mua bán với NHNN. Khi có dữ liệu chuẩn về cung cầu thị trường, cơ quan này sẽ đưa ra các chính sách quản lý, mua bán và nhập khẩu nguyên liệu phù hợp. Từ đó, cung - cầu vàng trên thị trường được cân bằng.