Thi vào lớp 10 công lập: Năm nào cũng ‘nóng’

Thu Hương 07/07/2020 07:17

Ngay cả những trường “top” dưới cũng có số thí sinh đăng ký tăng đột biến vì nhiều thí sinh tránh trường “top” đầu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cuộc đua vào lớp 10 trường công lập năm nào cũng nóng hầm hập dù công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp… những năm gần đây đã được ngành giáo dục đẩy mạnh. Hướng đi trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên… vẫn không nằm trong dự liệu của nhiều bậc phụ huynh. Còn khối trường tư thục, ngoài công lập lại có mức học phí cao hơn nhiều so với các trường công lập.

Những nguyện vọng… xa tầm với

Hiện nay, các trường THPT công lập có mức học phí nằm trong quy định trong khi học phí của các trường ngoài công lập, khối trường tư thục là sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Trong đó, có những trường học phí lên đến hàng chục triệu mỗi tháng chưa kể những loại phí khác.

Đơn cử Trường THPT liên cấp Olympia (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) năm học 2020-2021 áp dụng mức học phí 190 triệu đồng, phí phát triển trường 18 triệu, ăn uống 25 triệu… Nếu đăng ký dịch vụ xe buýt, học sinh (HS) đóng thêm từ 19 đến 27 triệu/năm tùy quãng đường.

Với các trường phổ thông quốc tế, số tiền này có thể còn cao gấp nhiều lần. Như Trường TH-THCS-THPT Quốc tế Bắc Mỹ (huyện Bình Chánh, TPHCM) công khai mức học phí năm học này là 48 triệu đồng/tháng, phí nội trú 9,6 triệu/tháng, phí bán trú 3,3 triệu đồng/tháng…

Với mức tiền khủng phải nộp như vậy, không nhiều HS có thể theo đuổi môi trường học tập này dù chất lượng HS, cơ sở vật chất của các trường là mơ ước của nhiều gia đình. Đăng ký vào trường THPT công lập chính là lựa chọn tốt nhất nếu biết chọn trường phù hợp với khả năng của mình.

Thống kê cho thấy, tại Hà Nội, trong số 113 trường, top 4 trường có tỉ lệ “chọi” cao nhất là THPT Chu Văn An, THPT Kim Liên, THPT Yên Hòa, THPT Nhân Chính cũng là những trường nằm trong top có tỉ lệ chọi cao của các năm trước. Trong đó, có trường có hơn 1.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng (NV) 1 nên vì lo lắng, một số thí sinh đã quyết định đổi NV để an toàn hơn.

Ngay cả những trường “top” dưới cũng có số thí sinh đăng ký tăng đột biến vì nhiều thí sinh tránh trường “top” đầu. Rồi có trường, số thí sinh đăng ký NV2 cao hơn cả NV1 của trường khiến phụ huynh và HS hơn ngồi trên đống lửa.

Thời điểm này chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội diễn ra. Phân tích của bà Nguyễn Thu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, năm nay chương trình đã được tinh giản nhiều. Nếu đề thi chỉ kiểm tra phần kiến thức cơ bản thì dự kiến, điểm chuẩn sẽ tăng cao.

Các thí sinh cần hết sức cẩn trọng trong khi làm bài bởi chỉ một lỗi nhỏ cũng có quyết định sự đỗ trượt. Chỉ thiếu 0,25 điểm đã là 2 kết quả hoặc vỡ òa sung sướng hoặc những giọt nước mắt tiếc nuối nên rất mong các thí sinh không chỉ dồn sức ôn tập trong chặng đường nước rút này mà cả mấy chục phút trong phòng thi cũng cần tập trung hết sức lực để đạt kết quả cao nhất.

Tìm sự đồng thuận

Liên quan đến việc phân luồng, hướng nghiệp, bà Nguyễn Thu Hương cho rằng kiến thức để ôn thi vào lớp 10 không phải chỉ gói gọn trong năm học lớp 9 mà là cả một quá trình suốt 4 năm học THCS. Nên mặc dù trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, việc học có phần chuệch choạc hơn nhưng ngay khi đi học lại, nhà trường đã chấn chỉnh và tăng tốc ngay cùng các em.

Vừa rồi, hầu hết HS lớp 9 của trường đăng ký vào các trường công lập, chỉ có một số rất ít HS đăng ký vào các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Trong khi đó, tại một số cơ sở giáo dục, phụ huynh phản ánh việc phải viết đơn tự nguyện xin cho con không thi vào lớp 10 công lập với hình thức viết tay. Điều băn khoăn là, trong khi các địa phương khác không có chuyện phụ huynh phải viết đơn xin nếu như không có NV cho con dự thi, tại sao phụ huynh Hà Nội lại phải làm việc này?

Bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú La (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, việc này được thực hiện theo sự hướng dẫn từ Sở GDĐT Hà Nội. Sau khi phụ huynh HS làm đơn, trường sẽ chuyển về Phòng GDĐT và Sở để cập nhật và giám sát.

Điều băn khoăn là những HS đủ điều kiện để thi vào lớp 10 cũng phải làm đơn nhưng có mẫu đơn sẵn, chỉ cần điền thông tin. Còn những HS có học lực chưa tốt không tham dự thi, thì phụ huynh phải làm đơn viết tay, rồi tự nghĩ lý do để xin cho con không được đi thi.

Thừa nhận có điều khó xử ở đây, bà Thanh cho biết sẽ tiếp thu ý kiến và sẽ kiến nghị về sự thay đổi để các em HS không tham dự kỳ thi lớp 10, hay phụ huynh của các em không bị mặc cảm.

Câu chuyện “ép” HS không dự kỳ thi vào lớp 10 công lập năm nào cũng được phản ánh trên báo chí song trên thực tế, khi tổ chức họp các bậc phụ huynh có đơn xin không thi vào lớp 10 với sự có mặt của Ban giám hiệu, thậm chí lãnh đạo phòng, sở… thì tất cả phụ huynh đều khẳng định mình… tự nguyện.

Nhà trường thì giải thích rằng với chủ trương phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo chỉ đạo từ Bộ GDĐT, căn cứ vào học lực của từng em, giáo viên sẽ phối hợp với phụ huynh để tư vấn, giúp HS định hướng nghề nghiệp. Có thể trong công tác phân luồng, thầy cô truyền tải không toát lên được quan điểm chung khiến phụ huynh hiểu sai theo ý ép buộc.

Dẫn lại câu của ông bà ta vẫn nói, không có lửa làm sao có khói. Việc đâu đó phụ huynh bức xúc vì con mình được đưa vào diện phân luồng sau THCS không đúng với nguyện vọng của gia đình có thể xảy ra khi nhà trường, cụ thể là giáo viên chủ nhiệm và gia đình HS chưa tìm được tiếng nói chung.

Như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh, với những HS xếp loại trung bình, điểm trong học bạ có thể được 5, nhưng nếu tham dự kỳ thi vào lớp 10, làm đề kiểm tra chung thì có thể chỉ được 3 điểm.

Kết quả đó khó có thể thi đỗ vào trường công lập nào song giữa thực tế và nguyện vọng của gia đình cũng cần phải được nhà trường cân nhắc, tôn trọng.

Nếu thêm việc giải thích, trao đổi, lắng nghe để đi đến đồng thuận giữa nhà trường và gia đình thì không cần đến hẹn lại lên, những bức xúc kiểu phụ huynh “tố” trường không cho HS dự thi sẽ không có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi vào lớp 10 công lập: Năm nào cũng ‘nóng’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO