Sức nóng của kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội năm nay tiếp tục lấn át cả thời tiết nắng nóng hầm hập ngoài trời. Các thí sinh đều đã có chiến lược ôn tập, giữ gìn sức khỏe để chinh phục ngôi trường mơ ước.
“Học nhiều để tự tin”
Đó là chia sẻ của nhiều thí sinh trước kỳ thi lớn đầu tiên của cuộc đời học sinh sau 9 năm đèn sách. Mặc dù cả học kỳ đầu học trực tuyến nhưng với những thí sinh này, không mấy em dám lơ là trong học tập. Đặng Gia Hải - học sinh lớp 9A5, Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng) cho biết mình tự tin nhất với môn Toán.
“Em không học quá khuya đến 2, 3 giờ sáng như nhiều bạn mà đề ra thời khóa biểu học tập phù hợp với bản thân, chú trọng đến những phần kiến thức cơ bản mình còn yếu để chắc chắn không bị mất điểm ở những bài dễ”.
Vừa là bạn cùng lớp THCS với Hải, vừa là “đối thủ” khi cũng chọn nguyện vọng 1 là THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), Nguyễn Thu Anh, học sinh lớp 9A5 Trường THCS Lương Yên cho biết, em khá yên tâm khi biết tỷ lệ chọi vào trường năm nay không quá cao. Các bài thi gần đây em làm đều đạt trên mức điểm chuẩn vào trường năm 2020 (năm TP Hà Nội cũng thi 3 môn vào lớp 10) nên cũng thêm phần tự tin.
“Ban đầu em cân nhắc giữa trường THPT Trương Định và một trường khác có điểm chuẩn các năm trước cao hơn một chút. Nhưng năm nay không được thay đổi nguyện vọng khi biết tỷ lệ chọi nên sau khi trao đổi với bố mẹ, thầy cô, em quyết định lựa chọn an toàn” - Anh chia sẻ.
Đây cũng là suy nghĩ của nhiều thí sinh và gia đình khi đặt nguyện vọng vừa sức, giảm bớt áp lực cho một kỳ thi năm nào cũng được ví là khốc liệt hơn thi đại học. Thậm chí, năm nay, tỷ lệ chọi vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây khi khoảng 107.000 học sinh đăng ký dự thi còn chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 69.000 học sinh.
Cẩn trọng với những quy định mới
Sáng 17/6, khoảng 107.000 thí sinh trên địa TP bàn Hà Nội có mặt tại 203 điểm thi để làm thủ tục dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2022-2023.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi, các thí sinh được hướng dẫn xuất trình phiếu báo thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 (có dán ảnh học sinh và đóng dấu giáp lai) hoặc căn cước công dân, các vật dụng được mang vào phòng thi, thời gian thi chính thức, quy định về hiệu lệnh trống…
Thí sinh đã nghe phổ biến về cách làm bài thi môn ngoại ngữ, cách ghi thông tin trên Phiếu trả lời trắc nghiệm, cách tô số báo danh, cách tô mã đề của thí sinh... Chỉ khoảng 30 phút phổ biến, các thí sinh đã ra về để chuẩn bị cho buổi thi ngày 18/6.
Một trong những điểm mới của kỳ thi vào lớp 10 năm nay của Hà Nội đó là quy định các thí sinh mắc Covid-19 có thể lựa chọn tham gia thi khi có đơn tự nguyện của gia đình hoặc đăng ký xét tuyển học bạ, không thi tuyển.
Thống kê của phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận Ba Đình cho biết, đến sáng 17/6, có 6 thí sinh mắc Covid-19 trên địa bàn đều chọn đăng ký xét tuyển bằng học bạ. Phòng GDĐT đã yêu cầu các trường hướng dẫn phụ huynh học sinh làm các thủ tục xác minh, xác nhận cần thiết đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng đối tượng theo quy định.
Đối với các thí sinh tham gia thi, các hội đồng thi đều chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất theo đúng yêu cầu phòng dịch, từ khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn, phòng thi cách ly riêng cho thí sinh là F0 và một phòng thi cho đối tượng diện nghi ngờ. Phòng y tế với cán bộ y tế túc trực suốt thời gian thi để đảm bảo xử lý các tình huống y tế phát sinh.
Với 2.048 học sinh đăng ký nguyện vọng 1 trong khi chỉ tiêu 675 (giảm 45 chỉ tiêu so với năm 2021), Trường THPT Yên Hòa vượt THPT Chu Văn An, trở thành trường có tỷ lệ chọi cao nhất Hà Nội trong mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022. Ở chiều ngược lại, 8 trường THPT có tỷ lệ chọi dưới 1, nghĩa là số thí sinh đăng ký ít hơn chỉ tiêu. Theo đó, về mặt lý thuyết, mọi học sinh đăng ký sẽ trúng tuyển nếu không vi phạm quy chế thi. Những trường này gồm Đại Cường, Minh Hà, Bắc Lương Sơn, Xuân Khanh, Minh Quang, Bất Bạt, Ba Vì, Tự Lập.
Riêng quy định mới của kỳ thi năm nay là chỗ để đồ cho học sinh cách xa phòng thi 25m đã được các trường linh hoạt thực hiện, bố trí phù hợp với đặc điểm khuôn viên nhà trường.
Ghi nhận tại Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm), mỗi phòng thi bố trí một hộp để đồ riêng cho thí sinh ngay ngoài cổng trường trong khi tại Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), nhà trường chuẩn bị mái che, ghế xếp để thí sinh để đồ ngay trên sân trường và bố trí giám thị trực theo dõi, bảo quản đồ đạc cá nhân của các thí sinh trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.
Công tác phân luồng giao thông… cũng được các điểm thi chuẩn bị, hướng dẫn để phụ huynh phối hợp với sự tham gia của lực lượng công an trên địa bàn. Trước đó, để chuẩn bị cho kỳ thi này, thành phố đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra đến nhiều điểm thi để nắm bắt tình hình, đưa ra những phương án xử lý để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi.
Theo Phòng GDĐT quận Cầu Giấy, Ban chỉ đạo thi đã thành lập đoàn đi kiểm tra tất cả các điểm thi và điểm chờ trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, các điểm thi và điểm chờ đã đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, công tác phòng, chống dịch.
Tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) và Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ) sáng 17/6, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đánh giá cao công tác chuẩn bị cho kỳ thi của đơn vị. Qua báo cáo của điểm thi, công tác liên quan đến điều kiện cơ sở vật chất, bố trí con người rất tốt.
Ông Cương nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn nhất, đảm bảo tâm lý tốt nhất cho các thí sinh. Đối với các trường hợp đột xuất đòi hỏi các vị lãnh đạo điểm thi phải linh hoạt xử lý, phân vai, phân việc rõ ràng. Các thầy cô cần lưu ý nhắc nhở học sinh không mang tư trang cá nhân không cần thiết vào điểm thi để đề phòng thất lạc, ảnh hưởng đến tâm lý dự thi.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hà Nội):
Chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho bài thi tiếp theo
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập diễn ra trong 3 buổi với 3 môn thi độc lập. Mỗi thí sinh cần bình tĩnh, phát huy hết năng lực của mình trong mỗi buổi thi. Có em sẽ có thế mạnh ở môn này và có thể chưa xuất sắc ở môn khác, điều đó là bình thường nên hãy xác định tư tưởng thi xong là xong, vui vẻ chuẩn bị cho bài thi tiếp theo.
Đừng tạo thêm áp lực, trăn trở cho mình nếu bài thi trước đó làm chưa tốt khiến ảnh hưởng đến bài thi tiếp theo. Chưa nên so sánh đáp án, đối chiếu với bạn bè hay tìm đọc lời giải ngay sau buổi thi mà hãy để khi thi xong, bình tâm nhìn lại bài thi như một cách rút kinh nghiệm cho chính mình.
Đối với các bậc phụ huynh, mỗi kỳ thi sẽ luôn có cả nụ cười và những giọt nước mắt. Nhưng với tâm thế “thắng không kiêu, bại không nản”, mong các bậc phụ huynh cũng có thêm những sự chuẩn bị khác cho tương lai của con để nếu không may nằm ngoài chỉ tiêu đỗ trường THPT công lập, các em cũng có những lựa chọn khác phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân và điều kiện của gia đình. Đây mới là ngã rẽ đầu đời của các em nên dù đỗ hay trượt, chặng đường học tập của các em vẫn còn rất dài phía trước, cần sự đồng hành, thấu hiểu của gia đình, người thân.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch hội tâm lý giáo dục Hà Nội:
Phụ huynh không nên kỳ vọng quá cao
Có 4 loại hình để học sinh lựa chọn sau tốt nghiệp THCS là học THPT công lập, THPT dân lập, giáo dục thường xuyên và học nghề. Mỗi người đều có quyền lựa chọn hướng đi cho mình nhưng phải phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện của gia đình.
Mặc dù thời gian gần đây các trường đã đẩy mạnh đến công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS nhưng vẫn nhiều phụ huynh vẫn chưa thực sự hiểu đúng về học nghề, học trung tâm giáo dục thường xuyên hay học trường dân lập dẫn đến những áp lực nặng nề cho thí sinh khi bước vào kỳ thi lớp 10 hàng năm. Không có lời thuyết phục, tư vấn nào hơn những minh chứng thực tế sống động.
Tôi mong các bậc phụ huynh hãy nhìn rộng ra xung quanh mình, về những nghề nghiệp trong xã hội hôm nay và không đặt kỳ vọng quá cao so với thực tế sức học, khả năng của con em mình. Các em có quyền dự thi và cũng có quyền trượt vì cuộc cạnh tranh này thực sự là khốc liệt.
Chúc mừng là điều ai cũng mong muốn nhưng trong trường hợp không may sơ sẩy, động viên vẫn sẽ luôn luôn tốt hơn là trách mắng. Phụ huynh cần bình tĩnh thì mới kỳ vọng trẻ bình tâm, sáng suốt và nỗ lực hơn trong chặng đường tiếp theo, dù là rẽ theo hướng nào.
Lam Nhi(ghi)