Hơn tuần nay, hàng trăm chủ phương tiện xe điện phục vụ du lịch của người dân trên địa bàn thị xã Cửa Lò (Nghệ An) lo lắng khi chính quyền đã có văn bản yêu cầu các xe điện phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định thì mới được phép hoạt động và số xe hoạt động giới hạn không quá 300 xe (tức giảm hơn 200 xe). Nếu không thực hiện quy định này, thì bắt buộc dừng hoạt động đối với xe không đủ điều kiện (chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định) trên các tuyến đường bắt đầu từ ngày 20/4.
Anh Trần Ngọc Dương (trú tại phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò) cho biết: Anh mới chi hơn 100 triệu đồng mua 1 chiếc xe điện từ năm 2019. Hầu hết xe điện ở Cửa Lò không thể đăng ký, đăng kiểm, đồng nghĩa nghề chạy xe điện phục vụ khách du lịch sẽ không thể hoạt động trong mùa du lịch tới. “Chúng tôi cũng đồng tình với chủ trương của thị xã. Nhưng cần có lộ trình, mọi người đều kiến nghị cho tiếp tục chạy xe đến 30/9/2023. Sau đó ai có nhu cầu sẽ mua xe mới về đăng kiểm theo quy định” - anh Dương nói.
Cùng nỗi lo, anh Võ Chí Công - một chủ xe điện khác cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, hoạt động xe điện được thị xã quản lý, được tỉnh cấp phép hoạt động. Hàng năm người dân đều đóng thuế đầy đủ. Xe chúng tôi mua từ lâu, ban đầu doanh nghiệp quản lý, sau đưa về thị xã quản lý, giờ giấy tờ không còn… làm sao đăng ký, đăng kiểm được”.
Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Thọ - Phó Phòng Quản lý đô thị thị xã Cửa Lò cho biết: Không phải bây giờ thị xã mới thông tin cho người dân về yêu cầu cần phải có đăng ký, đăng kiểm đối với xe điện. Những năm trước đó, thị xã đã có nhiều văn bản thông báo cho chính quyền cơ sở và người dân nắm được quy định này.
Cụ thể, theo ông Thọ, từ năm 2016 đến nay, thị xã quản lý 558 xe điện, nhưng hiện chỉ có 171 xe có đủ hồ sơ, giấy tờ có thể đăng ký được. Vừa qua, thị xã chọn ngẫu nhiên 7 xe “tốt nhất” trong số 171 xe có đủ hồ sơ nói trên để đi đăng kiểm, nhưng bị loại ngay từ vòng kiểm tra sơ bộ. “Bởi, theo quy định, loại xe này phải có 2 hệ thống phanh (tay và chân). Chỉ yêu cầu đó, gần như tất cả các xe điện ở Cửa Lò cũng không đủ tiêu chuẩn” - ông Thọ cho biết thêm.
Lý giải việc vì sao Thông tư của Bộ Giao thông vận tải có từ năm 2014 nhưng đến nay mới bắt buộc chủ phương tiện đăng ký, đăng kiểm? Ông Thọ cho biết, giai đoạn đầu, thị xã đang thí điểm. Sau khi hết thời gian thí điểm, xe điện được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép hoạt động từng năm một, nên thị xã thu thuế 3 triệu đồng/xe/năm; ngoài ra năm 2022, sau một thời gian tạm dừng vì dịch Covid-19, hoạt động xe điện xảy ra nhiều vấn đề, như: tranh giành khách hàng, đánh nhau, nâng giá vé… Nhiều hành khách gọi điện phản ánh.
“Đến tháng 10/2022, đoàn công tác của tỉnh xuống họp về an toàn giao thông thì nắm được thực trạng này. Sau đó, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu thị xã siết chặt để đảm bảo an toàn và đưa hoạt động này đi vào nề nếp” - ông Thọ giải thích thêm.
Khi được hỏi về phương án nếu cả 558 xe điện đều không đăng ký, đăng kiểm được, sẽ thế nào trong mùa du lịch tới, ông Thọ cho biết, sắp tới Bí thư và Chủ tịch thị xã sẽ đối thoại với các chủ xe điện. Phòng luôn tham mưu theo hướng tốt nhất cho người dân và việc đề xuất tỉnh cho lùi thời hạn thực hiện phải do Ban Thường vụ Thị ủy quyết định.