Thị xã Kỳ Anh là một đô thị trẻ nằm ở phía Nam tỉnh Hà Tĩnh và được xác định là khu vực giàu tiềm năng, phát triển và hạt nhân phát triển khu vực này là cảng biển, nhiệt điện, luyện cán thép…
Thị xã Kỳ Anh được thành lập vào năm 2015 theo Nghị quyết số 903 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh, gồm 6 phường, 5 xã, với hơn 28.025 héc ta đất tự nhiên và 87.359 nhân khẩu. Thị xã Kỳ Anh ra đời tạo nền tảng vững chắc và bước đột phá cho tỉnh Hà Tĩnh và cả khu vực Bắc Trung Bộ với vai trò, vị thế là trung tâm kinh tế trọng điểm cả nước.
Nơi đây có hệ thống giao thông thuận tiện, có vị trí chiến lược vượt trội với cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế, là cửa ngõ thông ra các hải cảng quốc tế của khu vực Miền Trung Việt Nam, Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, có Quốc lộ 12C từ Cảng Vũng Áng đi cửa khẩu Chalo tỉnh Quảng Bình sang Lào và Thái Lan.
Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, thị xã Kỳ Anh là nơi có điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp, trung tâm cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng, thương mại, dịch vụ du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn trong tương lai.
Để thu hút đầu tư, những năm qua, thị xã Kỳ Anh đã dồn sức cho công tác giải phóng mặt bằng, di dời dân để tạo mặt bằng sạch, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội để xúc tiến, thu hút đầu tư.
Đảng bộ chính quyền nhân dân thị xã Kỳ Anh đã có những hướng đi, những cách làm mới để tạo sự đột phá trong phát triển KT-XH. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn bình quân hàng năm đạt 11,48% năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, hiện đại.
Riêng năm 2022-2023, thị xã Kỳ Anh đóng góp vào Ngân sách tỉnh gần 12 nghìn tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Trên địa bàn hiện có 175 dự án đầu tư. Trong đó, có 119 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký gần 63 nghìn tỷ đồng; 56 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký trên 16 tỷ USD.
Bên cạnh đó, thị xã Kỳ Anh còn tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; xây dựng thị xã Kỳ Anh lên thành phố vào năm 2025 và trở thành trung tâm kinh tế động lực của tỉnh.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020 - 2023 ước đạt gần 50 nghìn tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 ước đạt 1.423 tỷ đồng.
Theo quy hoạch phát triển của tỉnh Hà Tĩnh, mục tiêu đến năm 2035 Khu Kinh tế Vũng Áng thì Trung tâm logistics tại thị xã Kỳ Anh không chỉ phục vụ trong phạm vi Hà Tĩnh, khu vực miền Trung mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây và phục vụ các hoạt động giao thương Quốc tế.
Nhiều dự án lớn trên địa bàn đã hoàn thành đi vào hoạt động, đưa thị xã Kỳ Anh trở thành trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh như: Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh - Giai đoạn 1: 7,5 triệu tấn/năm; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 với công suất 1.200 MW; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 với công suất 1.200 MW; Cảng Quốc tế Lào - Việt (Vũng Áng) đón tàu trọng tải 30-50 nghìn tấn; Nhà máy sản xuất pin VINES Vũng Áng với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 4.000 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất Pin Lithium với tổng mức đầu tư hơn 6.329 tỷ đồng.
Và có nhiều dự án lớn đang xúc tiến đầu tư như: Khu nghỉ dưỡng và điện gió Kỳ Nam, Khu nghỉ dưỡng Kỳ Ninh, nhà máy sản xuất linh phụ kiện ô tô của tập đoàn VinGroup… Nhờ vậy, giá trị các ngành thương mại - dịch vụ bình quân mỗi năm đạt 6.875 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 8,21%/năm. Đến nay, thị xã Kỳ Anh có trên 1.054 doanh nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 56 triệu đồng/người/năm.
Thị xã Kỳ Anh hiện đang triển khai thực Dự án phát triển đô thị động lực từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng mức đầu tư hơn 55,07 triệu USD.
Theo quy hoạch chung đến năm 2035, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó xác định thị xã Kỳ Anh sẽ trở thành trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của Hà Tĩnh, nơi hội tụ của hai trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm, một trong ba đô thị trung tâm và là một trong ba hành lang kinh tế tạo bước đột phá của tỉnh với các lĩnh vực phát triển chủ đạo là công nghiệp luyện kim, chế biến chế tạo sản phẩm sau thép, sản xuất nhiệt điện, điện khí, công nghiệp phụ trợ, Logistic gắn với cụm cảng nước sâu, thương mại, du lịch, dịch vụ, nông - lâm nghiệp.
Thị xã Kỳ Anh đang hội tụ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để khởi động chặng đường bứt phá xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị xã Kỳ Anh mong muốn tiếp tục được đón nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện trên các lĩnh vực của các lãnh đạo Trung ương, tỉnh, các bộ, ban, ngành, sự chung sức, đồng lòng, tích cực đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế, thu hút đầu tư trên địa bàn nhằm tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Hà Tĩnh, của khu vực và cả nước.
Ngoài ra, thị xã Kỳ Anh cũng là nơi có vùng đất văn hiến, giàu truyền thống văn hóa với hệ thống di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng cả nước như di tích cấp quốc gia đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, danh thắng Đèo ngang, di tích Hoành Sơn Quan kỳ vĩ, đền thờ Công chúa Liễu hạnh, Khu ẩm thực mực Nhảy Vũng Áng… và các làng nghề truyền thống gắn với thương hiệu sản phẩm OCOP, đặc trưng như nước mắm, cá mờm cơm Luận Nghiệp, nước mắm Nhất Ninh, Mạnh Cường, Mai vàng Đèo Ngang, Nộm sứa lá dung Kỳ Ninh, rượi đông trùng Hạ Thảo…