Trong năm qua, bão, lở tuyết, lũ lụt và hạn hán đã tàn phá Italy, khiến hàng chục người thiệt mạng. Chính phủ nước này phải loay hoay tìm câu trả lời khi những thảm họa đặc biệt đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn.
Lũ lụt và những hậu quả
Ngày 17/5 vừa qua, trận lũ lụt do mưa lớn đã hoành hành tại vùng Emilia-Romagna miền Bắc Italy. Tính đến ngày 19/5, số người thiệt mạng vì lũ lụt và lở đất tại vùng này đã tăng lên ít nhất 13 người, trong khi hàng nghìn người phải sơ tán, với hàng chục người vẫn đang mất tích khi phần lớn diện tích của vùng này vẫn chìm trong nước.
Theo Bộ trưởng Bảo vệ dân sự Italy Nello Musumeci, một số khu vực ở Emilia-Romagna đã ghi nhận lượng mưa bằng một nửa lượng mưa trung bình cả năm chỉ trong 36 giờ. Lượng mưa lớn đã gây vỡ bờ con sông, nước tràn vào các thành phố và gây ngập úng hàng nghìn mẫu đất canh tác.
Thành phố ven biển Ravenna chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Giới chức địa phương cho biết, khoảng 14.000 cư dân đã phải sơ tán khẩn cấp. Lũ lụt đã ảnh hưởng đến 37 thị trấn và cộng đồng dân cư. 120 vụ lở đất được ghi nhận. 1 cây cầu gần thành phố Bologna bị sập, một số tuyến đường bị nước lũ bao vây, trong khi dịch vụ đường sắt tạm dừng.
Mặc dù mưa đã ngớt, nhưng mực nước tại các con sông vẫn dâng cao. Bộ trưởng Bảo vệ dân sự cho biết, ông sẽ đề nghị Chính phủ cấp 20 triệu euro (22 triệu USD) hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng trong cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 23/5 bàn về các biện pháp cứu trợ tại các vùng thiên tai.
Ngày 19/5, ông Stefano Bonaccini - Chủ tịch vùng Emilia-Romagna cho biết, thiệt hại của vùng này lên tới vài tỷ Euro. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường và An ninh năng lượng Gilberto Pichetto Fratin nói, chính phủ nước này sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) cấp quyền tiếp cận Quỹ Đoàn kết Liên minh châu Âu để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ và tái thiết trong vùng.
Đây là lần thứ 2 trong tháng 5 vùng Emilia-Romagna hứng chịu thiên tai. Quỹ quốc tế Bảo vệ thiện nhiên (WWF) cho biết, việc loại bỏ các khu rừng và thảm thực vật hút nước dọc theo các con sông ở Emilia-Romagna đã làm trầm trọng thêm thảm họa trong tuần này.
"Chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu vượt ra ngoài cách xử lý các trường hợp khẩn cấp và xem xét các tác động của kế hoạch thông thường đang ngày càng trở nên cấp bách" - trích tuyên bố của WWF.
Các nhà khí tượng học cũng đồng ý rằng, đất đai khô cằn sau nhiều tháng hạn hán đã làm giảm khả năng hấp thụ nước, theo đó khiến tình trạng lũ lụt trầm trọng hơn.
Tìm lời giải cho thảm họa
Ông Paola Pino d'Astore - chuyên gia tại Hiệp hội Địa chất môi trường Italy (SIGEA), cho biết: "Chúng ta đang gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu. Đó không phải là viễn cảnh xa vời mà là điều bình thường mới".
Trước trận lũ lụt và lở đất khiến 13 người thiệt mạng ở vùng Emilia-Romagna hôm 17/5, 6 tháng trước, 12 người đã thiệt mạng trên hòn đảo Ischia, trong một trận lở đất do mưa lớn, trong khi 11 người thiệt mạng vào tháng 9 năm ngoái do lũ quét ở khu vực miền Trung Marche.
Tháng 7 năm ngoái, một trận lở băng ở dãy núi Alps của Italy đã giết chết 11 người sau một đợt nắng nóng làm trầm trọng thêm đợt hạn hán tồi tệ nhất mà nước này đã phải hứng chịu trong ít nhất 70 năm.
Theo các nhà khoa học, địa chất đa dạng của Italy khiến nước này dễ bị lũ lụt và sạt lở đất, trong khi thực tế nước này bị bao bọc bởi các vùng biển nóng lên nhanh chóng đồng nghĩa với việc dễ bị tổn thương trước những cơn bão ngày càng mạnh.
Nhóm nông dân Coldiretti cho biết, số lượng các sự kiện thời tiết khắc nghiệt được ghi nhận vào mùa hè năm ngoái, bao gồm lốc xoáy, mưa đá khổng lồ và sét đánh, cao gấp 5 lần so với con số được ghi nhận cách đây một thập kỷ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, qua nhiều năm hoạt động xây dựng thường xuyên không được kiểm soát và phát triển nông nghiệp quy mô công nghiệp đã làm trầm trọng thêm mối đe dọa khí hậu.
Bộ Môi trường và An ninh năng lượng Italy đã công bố Kế hoạch quốc gia đầu tiên về thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 12 năm ngoái, nhưng những ý kiến trái chiều cho rằng, kế hoạch này bị thiếu vốn và cáo buộc chính phủ cản trở các nỗ lực của EU nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon.
Bộ trưởng Nông nghiệp Francesco Lollobrigida từng chia sẻ rằng, chính phủ sẽ không biến ngành công nghiệp địa phương thành "sa mạc" bằng cách áp đặt các biện pháp hạn chế CO2 khó khăn, trong khi các quốc gia gây ô nhiễm lớn ở những nơi khác không làm như vậy. Nhưng ông thừa nhận rằng, hạn hán kéo dài ở nhiều vùng là do biến đổi khí hậu gây ra và cho rằng đất nước phải thích nghi, xây dựng thêm các lưu vực để hứng nước mưa, vá các mạng lưới nước bị rò rỉ và sửa chữa các con đập bị bỏ quên.
Các dự án bảo vệ cộng đồng khỏi lũ lụt, chẳng hạn như xây đập hoặc đê mới, đôi khi gặp khó khăn bởi các địa phương muốn bảo vệ vùng nông thôn. “Chúng tôi phải vượt qua khái niệm luôn nói “không” với bất kỳ sự thay đổi nào. Với khí hậu này, sự tự do tuyệt đối cho các con sông có thể gây ra thiệt hại đáng kể" – ông Pichetto nói hôm 19/5.
Cơ quan bảo vệ dân sự quốc gia Italy ước tính, 94% các thành phố của đất nước dễ bị thiên tai, khiến việc bảo vệ người dân khỏi những nguy cơ của biến đổi khí hậu là điều không tưởng. Tuy nhiên, người đứng đầu Hội đồng Địa chất quốc gia cho biết, sự kết hợp giữa các khoản đầu tư có tầm nhìn xa và các hệ thống cảnh báo sớm có thể giúp bảo vệ sự sống. "Không bao giờ có thể đảm bảo an toàn cho (toàn bộ) lãnh thổ. Nhưng chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro và thích nghi với việc chung sống với nó" – ông Violo nói.
Ông Arcangelo Francesco Violo - người đứng đầu Hội đồng các nhà địa chất quốc gia Italy - cho biết: “Chúng ta phải thích nghi với điều kiện khí hậu mới, nhưng không sử dụng chúng như một cái cớ. Nhìn nhận thẳng thắn, đô thị hóa mạnh và mất trật tự trong những thập kỷ gần đây cùng với mật độ tiêu thụ đất cao đã tác động đến thời tiết".