Áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) Lưu Đức Huy nhận định: Thuế tối thiểu toàn cầu có thể tác động đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam.
Thưa ông, việc áp dụng thuế TTTC sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thu hút đầu tư của Việt Nam?
Ông Lưu Đức Huy : Trong quá trình nghiên cứu, Tổng cục Thuế đã đưa ra nhận định và đánh giá, thuế TTTC có thể tác động đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên nhiều phương diện. Thứ nhất, việc áp dụng thuế TTTC sẽ khiến các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư là các tập đoàn công ty đa quốc gia (MNE) thuộc đối tượng áp dụng. Đây chính là vấn đề có thể ảnh hưởng tới việc thu hút và mở rộng đầu tư chất lượng cao từ phía các Tập đoàn MNE này, bởi đây chính là những DN đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, thuế TTTC cũng gây ra tác động không nhỏ tới các DN vệ tinh của các Tập đoàn MNE cũng như có thể dẫn đến việc chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang quốc gia khác có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.
Thứ hai, ngoài sự đóng góp về vốn đầu tư cũng như tạo việc làm cho người lao động, các DN FDI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực trong nước, xây dựng các hệ sinh thái ngành, đặc biệt trong lĩnh vực quan trọng là công nghiệp hỗ trợ, kết nối DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để góp phần phát triển công nghiệp Việt Nam. Theo đó việc chuyển dịch đầu tư từ các DN FDI lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia của Việt Nam.
Thứ ba, các Tập đoàn MNE (ví dụ như Samsung - Hàn Quốc) trong những năm qua đã đóng góp nhiều vào tăng trưởng xuất khẩu và dự trữ ngoại hối của Việt Nam, vì vậy thuế TTTC cũng sẽ có tác động trên cả phương diện này.
Thứ tư, qua khảo sát cho thấy, chính sách và quy định không rõ ràng, khó khăn về thủ tục hành chính và thủ tục visa là những rào cản lớn nhất để DN nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, khó khăn về thủ tục hành chính là yếu tố lớn nhất (chiếm 70%) mà Việt Nam cần phải cải thiện để thu hút đầu tư nước ngoài.
Vây, việc áp dụng thuế TTTC từ ngày 1/1/2024 sẽ tác động như thế nào đối với các DN FDI tại Việt Nam cũng như các DN Việt Nam đang đầu tư tại nước ngoài?
- Đối với các DN FDI tại Việt Nam, thuế suất thuế thu nhập DN phổ thông ở Việt Nam là 20% về cơ bản đã đảm bảo quy định thuế TTTC. Tuy nhiên, do áp dụng ưu đãi thuế suất thấp và được ưu đãi miễn thuế, giảm thuế nên trên thực tế thuế suất đối với các dự án đầu tư của DN FDI có ưu đãi sẽ có thuế suất thực tế trong thời gian được hưởng ưu đãi thấp hơn mức thuế suất tối thiểu là 15%. Tổng cục Thuế đã rà soát theo số liệu quyết toán thuế thu nhập DN năm 2022, có khoảng 120 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (với khoảng trên 1000 DN) chịu ảnh hưởng của thuế TTTC nếu được áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế TTTC bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng trên 14.000 tỷ đồng.
Về phía các Tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế TTTC, Tổng cục Thuế đã đánh giá sơ bộ. Theo đó việc áp dụng thuế TTTC hiện tại không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN.
Tổng cục Thuế đã có những đề xuất cụ thể gì về chính sách thuế để thích ứng với việc áp dụng thuế tối TTTC từ đầu năm 2024 tới đây?
- Theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), để áp dụng thuế TTTC thì các nước cần quy định vào trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp. Thuế TTTC là quy định về thuế thu nhập DN.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 70 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì “Quốc hội quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Vì vậy, việc áp dụng thuế TTTC cần phải trình Quốc hội xem xét, quy định.
Hiện nay, Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ nghiên cứu về vấn đề này. Theo đó, Tổng cục Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính tổ chức và phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, từ đó phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp để báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội các phương án triển khai.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tăng cường công tác tham mưu cho Bộ Tài chính hệ thống các văn bản của Quốc hội, Chính phủ quy định áp dụng thuế TTTC theo đúng hướng dẫn của OECD (như: Quy định mẫu, Tài liệu diễn giải, Hướng dẫn hành chính, Hướng dẫn quy định miễn trừ và giảm phạt và các văn bản quy định chi tiết khác do Diễn đàn hợp tác chung OECD/G20 về quy định chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ban hành).
Trân trọng cảm ơn ông!
“Việc áp dụng các quy định về thuế tối TTTC mang lại cho Việt Nam cơ hội mới, như: góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế theo hướng sẽ góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế thông qua việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập DN và pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó còn giảm được hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Việc áp dụng thuế TTTC sẽ tạo một bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước hiện nay và giảm thiểu tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giữ vững nguồn thu thuế” - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) Lưu Đức Huy.