Từ một vùng hoang sơ quanh năm hứng chịu thử thách bởi mưa bão khắc nghiệt, vậy nhưng vài năm gần đây Thiềng Liềng bỗng bừng sáng. Ấp đảo này trở thành điểm đến du lịch cộng đồng điển hình của huyện đảo Cần Giờ, TPHCM và khu vực ven biển Nam bộ.
“Thay áo mới”
Đến Cần Giờ vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay của một vùng từng là “rốn bão” của xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Thiềng Liềng cách trung tâm TPHCM khoảng 70km, vì vậy để đến Thiềng Liềng, khách du lịch mất khoảng 2 tiếng đồng hồ đi tàu. Trên hành trình này, mọi người có thể lưu lại những hình ảnh đẹp dọc theo những dãy rừng đước trải dài và có dịp được ngắm nhìn làng nghề làm muối truyền thống của diêm dân nơi đây trước khi tàu cập bến.
Chị Trương Thị Thu Nga, một cư dân ở Thiềng Liềng vui vẻ kể với chúng tôi sự đổi thay nhanh chóng của quê hương. Chị nói: “Mấy năm về trước, Thiềng Liềng được biết đến chỉ là một ấp đảo hoang sơ với những cánh đồng muối bạt ngàn, trắng xóa. Giờ đây, khi du lịch cộng đồng được triển khai, du khách đến với Thiềng Liềng còn được đắm chìm trong không gian hoài niệm, homestay, đờn ca tài tử, ngâm chân thư giãn bên những khu sinh thái mới...”. Cũng theo chị Nga, thu nhập của bà con ấp đảo nhờ vào du lịch đã tăng lên nhanh chóng. Không chỉ có điều kiện để xây cất nhà mới, bà con cũng hào hứng đóng góp vào sự phát triển của du lịch địa phương bằng những sản phẩm du lịch “cây nhà lá vườn” nhưng đã trở thành thương hiệu của Thiềng Liềng.
TS Tạ Duy Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch TPHCM là người đến với Thiềng Liềng từ những ngày nơi đây còn hoang sơ, đã tham gia trực tiếp vào quá trình tư vấn, xây những sản phẩm du lịch riêng có của Thiềng Liềng để giúp nơi đây trở thành điểm đến du lịch cộng đồng điển hình của huyện đảo Cần Giờ hôm nay.
Chia sẻ với chúng tôi, TS Linh cho biết, hiện nay du lịch cộng đồng Cần Giờ đã thu hút sự tham gia của 16 hộ dân với việc đóng góp các sản phẩm dịch vụ như: ngâm chân thảo dược, không gian hoài niệm, thưởng thức các món ăn đặc trưng, trải nghiệm làm muối, nghe đờn ca tài tử, tham quan Miếu Bà Ngũ hành… Gần đây, bà con ở Thiềng Liềng còn giới thiệu đến với du khách thập phương những sản phẩm do tự tay mình làm ra, với những món “ăn chơi” dân dã như sương sâm, bánh lọt, nước nha đam, cá kèo bông đỏ, hàu biển…“Bà con đã nhận thức được sự phát triển của du lịch cộng đồng ở quê hương không ai khác chính là cần tới sự đóng góp, tâm huyết của từng người dân nơi đây”, TS Linh chia sẻ, đồng thời cho biết, để có được một điểm đến du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng như ngày hôm nay, các chuyên gia tư vấn đã trải qua cả một quá trình tâm tư, từ việc lên ý tưởng, khảo sát thực địa, đến hình thành những sản phẩm của vùng đất nhiều sóng gió.
Còn theo chị Thu Nga, bà con rất tự hào vì từng chặng đường phát triển của điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có sự chung tay đóng góp của mỗi người dân. "Từ việc chăm chút cho những sản phẩm, đôi khi dọn dẹp thường xuyên cho một không gian hoài niệm cũng đã rất đỗi tự hào để khách du lịch lưu nhớ về Thiềng Liềng và sẽ có lần trở lại”, chị Trương Thị Thu Nga chia vui với chúng tôi.
Mô hình hứa hẹn nhân rộng
Ngày 28/12/2022 trở thành một sự kiện lịch sử đối với bà con ở Thiềng Liềng khi Sở Du lịch TPHCM và UBND huyện Cần Giờ tổ chức Lễ công bố chính thức ấp đảo Thiềng Liềng thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ trở thành điểm đến du lịch cộng đồng của TPHCM.
Trong những ngày đến đây “xông đất” đầu năm mới Quý Mão, đến đâu chúng tôi cũng được người dân nói về cách làm du lịch cộng đồng. Để biến nơi đây thực sự trở thành một điểm đến du lịch mới của “siêu đô thị” lớn nhất nước, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, sẽ cùng với chính quyền huyện Cần Giờ tiếp tục khảo sát, tìm hiểu các yếu tố bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên và đặc điểm của ấp đảo Thiềng Liềng để phát triển bền vững mô hình du lịch cộng đồng ở đây. Mục tiêu không chỉ xây dựng Thiềng Liềng trở thành một điểm đến du lịch của thành phố mà còn giúp từng hộ gia đình bà con trên xã đảo tăng thu nhập, giải quyết việc làm và nâng cao dân trí cho cộng đồng.
Trước hết, trong giai đoạn đầu thành phố và địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng với sự tham gia của chính những hộ dân nơi đây. “Bà con nơi đây từ trước đến nay chủ yếu làm nghề muối, hiện nay bắt tay vào làm du lịch cộng đồng với cảm xúc cũng rất đặc biệt. Chính tay bà con tự tay làm, nấu, chế biến thực phẩm, xây dựng điểm đến, mô hình dịch vụ du lịch với cách làm thủ công, nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà. Điều đó làm nên nét đẹp, dân dã, sự bình yên và trải nghiệm đáng nhớ cho mô hình du lịch này”, bà Ánh Hoa chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, ngoài những hộ dân đang tham gia tự làm các sản phẩm du lịch riêng có của điểm đến Thiềng Liềng, tiềm năng để xây dựng thêm những sản phẩm dịch vụ, ẩm thực du lịch mới của nơi đây cũng còn nhiều dư địa. Hiện Thiềng Liềng có khoảng hơn 200 hộ dân sinh sống, với hơn 10.000 cư dân, với sinh kế chủ yếu dựa vào nghề làm muối và đánh bắt thủy hải sản, nuôi hàu ở cửa sông. Cũng theo ông Xuân, Thiềng Liềng với vị trí và địa hình độc đáo, uốn quanh bởi những ruộng muối, sông rạch và rừng ngập mặn ven biển sẽ còn nhiều tài nguyên để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, Sở Du lịch TPHCM và UBND huyện Cần Giờ cũng đang tiếp tục thực hiện các khảo sát chuyên sâu để triển khai kế hoạch “Phát triển điểm đến ấp Thiềng Liềng thành sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng, giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng huyện Cần Giờ”.