Tại buổi tọa đàm về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, chiều ngày 28/3, ông Tô Đức-Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, tới đây sẽ thiết lập đường dây nóng để nạn nhân bom mìn phản ánh nguyện vọng, nhu cầu cần hỗ trợ từ đó cán bộ sẽ tập hợp và lên kế hoạch hỗ trợ cho từng nạn nhân.
Rà soát bom mìn ở A Lưới, Quảng Trị.
Gần 20% diện tích chưa được làm sạch
Theo Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc- Phó Tổng giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VN Mac), khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Trong những năm qua nhiều dự án đã được triển khai góp phần làm sạch và thu gom xử lý nhiều bom mìn, vật nổ còn sót lại. Đơn cử như Dự án Rà phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại một số địa phương của tỉnh Quảng Trị, có giá trị gần 1,5 triệu USD, đã rà phá, làm sạch bom mìn, vật nổ là trên tổng diện tích 690ha với độ sâu 5m tính từ mặt đất hiện tại trở xuống đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang thiết bị. Tổng số bom mìn, vật nổ đã thu gom và xử lý từ Dự án là: 1645 quả, trong đó có nhiều loại bom mìn rất nguy hiểm như các loại bom bi, bom cam, đạn M79, bom MK-82, đạn xuyên, đạn cối, đạn phốt pho, đạn chất độc. Dự án rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn và Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), có tổng kinh phí 4 triệu USD do VBMAC thực hiện từ năm 2015 đến năm 2017, rà phá, làm sạch bom mìn, vật nổ trên tổng diện tích 2.550 ha đất bị ô nhiễm. Đến nay, đã rà phá làm sạch được 905 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, thu gom được hàng trăm quả bom mìn, vật nổ các loại trong đó có một số quả bom cỡ lớn như bom MK 84, khối lượng 900 kg, bom M117 khối lượng 337 kg, bom MK82 khối lượng 226 kg, bom bi, đạn pháo, đạn cối...
“Bom mìn còn sót lại trong lòng đất gây hậu quả nặng nề, cản trở phát triển kinh tế và gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng đến nay vẫn còn gần 20% diện tích bị ô nhiễm. Đây là con số đầy thách thức rất cần sự quyết tâm cũng như sự hỗ trợ nguồn lực của xã hội và cộng đồng quốc tế”- Đại tá Phúc nói.
Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn
Cùng với việc rà soát, làm sạch bom mìn công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn cũng là nhiệm vụ được quan tâm. Đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội…nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều nạn nhân chưa tiếp cận được với các chính sách trợ giúp.
Liên quan tới vấn đề này ông Tô Đức cũng thừa nhận, dù tới thời điểm hiện tại hơn 22.000 nạn nhân bom mìn thuộc đối tượng trợ giúp xã hội đã được hưởng và nhận chính sách trợ giúp của Nhà nước song ở nhiều địa phương, nhất là những địa phương khó khăn thì các nạn nhân bom mìn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các chính sách trợ giúp về y tế, chỉnh hình và sinh kế.
Để trợ giúp cho nạn nhân bom mìn, ông Tô Đức cho biết sẽ thiết lập đường dây nóng để những nạn nhân gọi. Cán bộ đường dây nóng sẽ trực tiếp tư vấn và tổng hợp sau đó có những chính sách hỗ trợ kịp thời giúp nạn nhân bom mìn ổn định cuộc sống.
Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. |