Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về việc thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo người có công (NCC) với cách mạng. Thành phố xác định đây là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị và nỗ lực thực hiện bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Hải Phòng có trên 220.000 người được công nhận là NCC với cách mạng. Trong đó có 2.694 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 368 cán bộ lão thành cách mạng, 550 cán bộ tiền khởi nghĩa, 30.384 liệt sĩ, 25.085 thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh…
Thời gian qua, công tác chăm lo thực hiện chính sách đối với NCC trên địa bàn được các cấp, ngành chú trọng. Trong đó đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đóng góp, nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngoài quà tặng của Chủ tịch nước, Hải Phòng trích ngân sách trên 245 tỷ đồng tặng quà 44.672 trường hợp NCC trên địa bàn với mức quà tặng 5,488 triệu đồng/người. Trong đó, quà bằng tiền mặt là 5,2 triệu đồng/người và 1 túi quà bằng hiện vật trị giá 288.000 đồng/người.
“Với mức quà tặng trên, Hải Phòng đang là địa phương đứng đầu các tỉnh, thành phố có mức quà tặng cao nhất cả nước trong thực hiện chính sách đối với NCC với cách mạng”, ông Trần Văn Huy - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng nhấn mạnh.
Ông Đỗ Đức Mầu, thân nhân liệt sĩ Đỗ Văn Vẻ (xã Minh Tân, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) phấn khởi cho biết: Đều đặn mỗi dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, những món quà ý nghĩa của thành phố được chuyển đến tận tay gia đình. Đây là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn đối với chúng tôi, không chỉ giúp vơi đi phần nào những mất mát, đau thương do chiến tranh để lại mà còn góp phần giáo dục lòng yêu nước với thế hệ con cháu trong dòng họ.
Cuối năm 2018, HĐND TP Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 32 về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình NCC với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Đây là một chủ trương lớn, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của TP Hải Phòng khi gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội. Tính đến hết năm 2023, thành phố duyệt hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 15.148 hộ NCC, trong đó 9.500 hộ xây mới, 5.607 hộ sửa chữa với tổng kinh phí trên 596 tỷ đồng (hỗ trợ bằng tiền mặt là trên 493 tỷ đồng, mua vật liệu gồm gạch, xi măng là trên 102 tỷ đồng). Kết quả, đến nay, trên 10.600 hộ gồm 6.395 hộ xây mới, 4.206 hộ sửa chữa nhà đã được giải ngân, trong đó, hỗ trợ bằng tiền mặt trên 340 tỷ đồng; mua vật liệu là gần 40 tỷ đồng.
Song song với việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi dành cho NCC, Hải Phòng còn đẩy mạnh các hoạt động tri ân khác: Lập Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng sổ “Tiết kiệm tình nghĩa”; phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn… Hải Phòng đã thành lập Ban quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tại 3 cấp (cấp xã, huyện và thành phố). Việc xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã mang lại những thành quả lớn lao, huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự nguyện tham gia phong trào, gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng. Mỗi năm, Hải Phòng đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hàng chục tỷ đồng…
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhận định: Công tác chăm lo gia đình NCC của Hải Phòng đã trở thành nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, đạt được hiệu quả cao và là minh chứng thuyết phục nhất trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.