Thiếu hụt lao động trẻ trong nông nghiệp

Lê Bảo 14/09/2022 08:30

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, thống kê cho thấy số lao động ly hương chủ yếu là lao động nông thôn, trong đó, trên 90% là lao động trẻ với độ tuổi bình quân khoảng dưới 34 tuổi. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng lao động trẻ ở vùng nông thôn.

Ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị tiền tỷ.

Đánh giá về thực trạng lực lượng lao động trẻ có xu hướng thoát ly khỏi nông nghiệp, bà Dương Thị Bích Diệp - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khởi nghiệp Xanh cho rằng, hội nhập quốc tế diễn ra mạnh vừa mở ra thị trường, tạo cơ hội đầu tư song cũng tạo ra sự cạnh tranh rất khốc liệt. Cách mạng khoa học công nghệ tạo ra động lực cho tăng trưởng, song nguy cơ tự động hóa sẽ đẩy lao động thủ công ra khỏi các hoạt động sản xuất là rất lớn. Những điều này đe dọa trực tiếp tới người nông dân trong khi khả năng tích lũy vốn, độ bao phủ phúc lợi xã hội, năng lực đào tạo nghề, thị trường lao động chính thức còn hạn chế.

“Hiện nay, 60% dân số nước ta đang sống ở khu vực nông thôn. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, thống kê cho thấy số lao động ly hương chủ yếu là lao động nông thôn, trong đó, trên 90% là lao động trẻ với độ tuổi bình quân khoảng dưới 34 tuổi. Nguồn lao động tại chỗ trong lĩnh vực nông nghiệp khan hiếm trầm trọng, nhất là lao động nông nghiệp chất lượng cao”- bà Diệp cho biết.

Về nguyên nhân khiến lực lượng trẻ thoát ly khỏi nông nghiệp, theo bà Diệp do chưa có các chính sách cụ thể định hướng và hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thiếu kiến thức về pháp luật và tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; Còn sản xuất kinh doanh theo mô hình nhỏ lẻ, chưa chuyển đổi được sang quy mô lớn. Một thời gian dài, lớp trẻ tư duy rằng nông nghiệp không phải là sự lựa chọn và nông thôn không phải nơi đáng sống.

Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng ban Kinh tế - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, hằng năm có 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; với nhiều mô hình sản xuất với quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động, trong đó có trên 1,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên. Đáng chú ý, so với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần. Dù vậy, nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi quy mô còn nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát; trình độ khoa học - kỹ thuật và quản lý còn yếu; chưa coi trọng đến ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số vào trong sản xuất kinh doanh cũng như các yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

Chính vì vậy, cần có cơ chế đào tạo người nông dân thành người chuyên nghiệp thông qua việc trang bị kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử, sử dụng những thiết bị thông minh; chuyển đổi số trong nông nghiệp…để nông dân nắm bắt được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế.

Để có thể tạo được nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng, bà Dương Thị Bích Diệp cũng cho rằng, dành nhiều nguồn lực tập trung cho chiến lược hỗ trợ lực lượng nông dân trẻ khởi nghiệp tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ các dự án khởi nghiệp nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao trong đó ưu tiên những người trong độ tuổi lao động trẻ ở nông thôn.

Theo bà Diệp thời gian gần đây, đã xuất hiện làn sóng mới, người trẻ về quê, quyết tâm khởi nghiệp nông nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương. “Nguồn nhân lực này hội tụ rất nhiều tố chất quý như tuổi trẻ, sức khỏe tốt, kỉ luật tốt, có kĩ năng được đào tạo cơ bản, khả năng tiếp cận kĩ thuật mới nhanh nhạy. Họ chỉ thiếu không gian lao động phù hợp tại quê nhà. Vì vậy cần có cơ chế hỗ trợ để lực lượng lao động này khởi nghiệp và làm giàu từ chính mảnh đất quê hương của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu hụt lao động trẻ trong nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO