Toàn tỉnh Khánh Hòa có 9.808 tàu cá, trong đó tàu khai thác xa bờ 1.336 chiếc, đảm bảo đời sống cho gần 40.000 người và đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam. Vậy nhưng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các xóm chài sống trong nỗi lo thiếu lao động đi biển, tàu nằm bờ. Nhiều lao động sau khi ứng tiền của chủ tàu thì chuyển làm nghề khác.
Thiếu lao động trầm trọng, nhiều tàu phải nằm bờ.
Tàu nằm chờ người
Thuyền trưởng Lê Văn Danh ở làng chài Hòn Rớ (Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: Thời điểm thuận lợi nhất để các ngư dân miền Trung làm ăn và vươn khơi xa đó là mấy tháng đầu năm. Các năm trước thời điểm này rất nhộn nhịp nhưng năm nay thật sự ảm đạm. Các chủ tàu không chỉ thông báo tuyển người mà còn trực tiếp đi tìm bạn thuyền, tìm lao động nhưng vẫn không đủ. Trung bình mỗi tàu trên 500 mã lực vươn khơi xa cần 12 người cùng chủ tàu đi đánh bắt. Nếu chỉ 5-6 người thì không hiệu quả.
Nôn nóng vì đến hẹn giao các mặt hàng thủy sản cho một số vựa ở TP Hồ Chí Minh, chủ tàu Lê Đạt ở Phước Đồng vội vã vươn khơi khi chí có 4 bạn thuyền, trừ mọi chi phí lỗ 50 triệu đồng. Ông Đạt chia sẻ: Nếu tình trạng này kéo đài thì hàng vạn gia đình làm nghề đánh bắt thủy hải sản sẽ lâm cảnh khó khăn. Một số nhà đành để thuyền nằm ở cảng, tứ tán đi làm ăn nơi khác.
Không chỉ Phước Đồng có trên 200 thuyền thiếu lao động mà ở các làng chài trọng điểm khác của Khánh Hòa như: Ninh Hải, Ninh Vân, Vân Phong, Vạn Giã, Nha Phu…cũng thiếu lao động. Chủ tàu Trần Văn Tám ở Ninh Vân (Ninh Hòa, Khánh Hòa) nhìn nhận: Nghĩ rộng ra, nếu không vươn khơi được ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến các làng chài còn ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của tỉnh, của đất nước nữa nên rất lo lắng. Riêng khu vực Ninh Vân, Vạn Giã có hơn 300 thuyền không vươn khơi được vì thiếu lao động. Có thuyền sẵn sàng chia 50% tổng giá trị thu được cho những lao động đi đánh bắt cùng nhưng vẫn thiếu người.
Theo đánh giá của Chỉ cục Thủy sản Khánh Hòa, để đảm bảo cho hệ thống tàu thuyền được vận hành, vươn khơi tốt thì cần đến trên 30.000 lao động. Nhiều chủ tàu cẩn thận còn đặt cọc, ứng tiền trước cho nhiều thợ đánh bắt, nhất là người đánh bắt lành nghề từ trước Tết nhưng nay họ lại đổi ý, các chủ tàu xoay xở không kịp.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Trước nhu cầu bức thiết, một số chủ tàu vội vã tuyển lao động từ các địa phương khác hoặc cho cả phụ nữ, người lớn tuổi chưa có kinh nghiệm đánh bắt và ứng phó các sự cố trên biển cùng ra khơi, nên tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Chủ tàu Dương Thanh Hùng chuyên đánh bắt xa bờ ở Hòn Rớ lo lắng: Đầu tư tàu thuyền nhiều tỷ đồng, lại phải mượn thêm ngân hàng nên phải xoay sở đủ đường để tuyển lao động. Vậy nhưng cũng không thể tuyển ẩu được. Nhiều thuyền chỉ mỗi thuyền trưởng là có kỹ năng nghề biển, còn toàn lao động mới.
Sau khi tuyển được 10 người từ các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, thuyền trưởng Lê Bá Thành ở Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa) truyền đạt vài kỹ năng qua loa rồi vươn khơi xa. Khi gặp thời tiết xấu, nhiều lao động thiếu kỹ năng ứng phó đã rớt xuống biển, phải cầu cứu đến các chủ tàu khác.
Nghề biển có những chuyến vươn khơi mang về hàng trăm triệu đồng nhưng nhiều vất vả, luôn phải thường trực nỗi lo với các biến cố. Có kinh nghiệm 20 năm đánh bắt xa khơi, ông Nguyễn Văn Hậu ở Hòn Rớ chia sẻ: Tất cả các kỹ năng đối phó với sóng dữ, nước xoáy hay ở những vùng gió thường xuyên đảo chiều…thì thuyền viên nào cũng phải nắm vững. Ngay cả kỹ năng bơi khi không may rớt xuống ở những vùng biển sâu cũng tập luyện nhiều mới được. Nhiều chủ tàu tuyển bừa lao động mà không trang bị kỹ năng cho họ trước nên khi có sự cố khó ứng phó được.
Một nguyên nhân khác khiến cho lao động nghề biển ngày một khó khăn là thế hệ kế cận, lực lượng lao động trẻ ở các làng chài ít mặn mà hơn với nghề của cha ông, không được tiếp cận các lớp dạy nghề đi biển bài bản, chủ yếu đánh bắt bằng kinh nghiệm, sản lượng thu về không cao nên chuyển sang nghề khác.
Quá cần lao động đi biển, một số chủ tàu vội vã tuyển người từ các địa phương khác hoặc cả phụ nữ, người lớn tuổi. Nhiều thuyền chỉ một mình thuyền trưởng là có kỹ năng nghề biển, còn toàn lao động mới. Nghề biển có những chuyến vươn khơi mang về hàng trăm triệu đồng nhưng nhiều vất vả, luôn phải thường trực nỗi lo với các biến cố. Đối mặt với sóng dữ, nước xoáy hay ở những vùng gió thường xuyên đảo chiều…thì thuyền viên phải có kỹ năng và kinh nghiệm. Do phải tuyển lao động không có kỹ năng thì khi gặp sự cố sẽ rất nguy hiểm.