Hàng trăm hộ nuôi tôm ở huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) hiện đứng ngồi không yên khi nhiều lần cầu cứu các cấp chính quyền sớm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cống ngăn triều tuyến đê Đông, làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn nước nuôi thuỷ sản nhưng tiến độ công trình vẫn ì ạch…
Nước ô nhiễm, tôm chết
Những hộ dân nuôi tôm ở ấp 15, ấp 16, ấp 17 xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình cho biết, hơn 1 tháng nay, việc lấy nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao của bà con gặp nhiều khó khăn, nhiều người đành ngậm ngùi treo ao.
Nguyên nhân là trong quá trình thi công cống ngăn triều Kênh 7, Kênh 12 nằm trên tuyến đê Đông kết hợp với cầu trong lúc thi công, đơn vị đã đắp tạm đường để các phương tiện ra vào, đã ngăn dòng chảy làm thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng.
Do đường ống cống nhỏ trong khi các kênh thủy lợi không được nạo vét thường xuyên nên lượng nước vào không đủ cung cấp cho việc nuôi tôm công nghiệp, thiệt hại nặng nề nhất là các hộ nuôi tôm siêu thâm canh.
Anh Đặng Công Trịnh ở ấp 16, xã Vĩnh Hậu A cho biết, từ sau Tết Nguyên đán anh đã cải tạo 2 ao tôm, mỗi ao 1.000 mét vuông nuôi tôm công nghiệp. Thế nhưng không có nước để lấy vào, nguồn nước còn lại do không lưu thông bị ô nhiễm không thể nuôi tôm được. Đơn vị thi công làm cống dẫn dòng nước quá sơ sài khiến nước vào rất ít ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân ở đây.
Ông Lưu Văn Lập, một hộ nuôi tôm tại xã Vĩnh Hậu A không giấu được sự bức xúc cho biết, từ khi việc thi công các công trình cống ngăn triều trên đê Đông đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của người nuôi tôm ở đây.
Chỉ tay về phía chiếc máy bơm nước ở con mương thủy lợi trước nhà, ông Lập bức xúc: Nước cạn kiệt như thế làm sao bơm vào được, trong khi việc nuôi tôm nguồn nước đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Thiếu nước lâu ngày, nguồn nước sẽ ô nhiễm, dẫn đến tôm nuôi chết hàng loạt, giảm năng suất. Đầu tư 5 ha với nhiều ao tôm siêu thâm canh thế nhưng do thiếu hụt nguồn nước nên ông Lập chỉ sản xuất được 3 ao. Trong khi tiền lãi vay ngân hàng hàng tháng trả hàng trăm triệu đồng khiến ông rất lo lắng.
Ông Trịnh Xuân Trường- Trưởng ấp 17, xã Vĩnh Hậu A cho biết, ở đây bà con nuôi tôm công nghệ cao rất nhiều, riêng ấp 17 có đến hơn 3.000 ha nuôi tôm công nghệ cao với hàng trăm hộ dân đang bị ảnh hưởng. Nguồn nước cạn kiệt bà con không thể lấy nước sản xuất ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của bà con.
Thi công ì ạch
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Mã Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho biết, Dự án nâng cấp đê Đông cấp bách chống biến đổi khi hậu tỉnh Bạc Liêu đoạn từ Quán Âm Phật đài đến kênh mương 1 do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư gồm các cầu, cống trên trên kênh 9, kênh 12 xã Vĩnh Hậu A; kênh 13, kênh mương 1 xã Vĩnh Hậu; kênh 1, 2, 3, 4 và kênh 3 Lợi xã Vĩnh Thịnh.
Việc thi công hạng mục các công trình dự án trên làm ảnh hưởng đến hàng ngàn người nuôi tôm ở xã Vĩnh Mỹ A, Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A. Thời gian qua tiến độ thi công rất chậm, việc thi công ì ạch đã ảnh hưởng đến sản xuất của và con nông dân.
Do dòng chảy tại các cống hạn chế, nước không đủ vào khu vực bên trong khiến kênh mương ở đây cạn kiệt, có mương gần như trơ đáy, nguồn nước đen ngòm nếu lấy vào ao tôm rất dễ thiệt hại do ô nhiễm. Thi công ì ạch lại không tính toán đến giải pháp đảm bảo các điều kiện đảm bảo sản xuất làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh kế của hàng trăm hộ dân nuôi tôm ở vùng này.
Đáng nói là tình trạng này kéo dài, người dân đã nhiều lần kiến nghị đến ngành chức năng và đơn vị thi công thế nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Ông Ngô Nguyên Phong, Phó trưởng ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, đơn vị chủ đầu tư các công trình cống ngăn triều trên đê Đông cho biết: Các công trình cống qua rất nhiều giai đoạn đấu thầu, có cống đấu thầu một hai năm đã triển khai thi công nhưng hiện nay còn vướng khâu giải phóng mặt bằng, có cống mới đầu thầu xong một hai tháng.
“Chúng tôi căn cứ vào hợp đồng nếu nhà thầu nào trễ tiến độ do lỗi của nhà thầu sẽ phạt hoặc cắt hợp đồng, giao nhà thầu khác nhưng hiện nay đa số các cống còn vướng về mặt bằng nên đã làm chậm tiến độ thi công” - ông Phong nói.
Từ năm 2020, nhiều công trình đê, kè và cống chống ngập được tỉnh Bạc Liêu triển khai. Trong đó, đầu tư hàng chục cống ngăn triều khép kín đã mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nuôi trồng thủy sản ở khu vực phía Nam quốc lộ 1A. Thế nhưng, việc thi công ì ạch, chưa đánh giá đầy đủ những ảnh hưởng đến sinh kế, sản xuất người dân. Hiện còn nhiều công trình đang thi công quá chậm. Việc tháo, thoát nước thông thoáng tại các cống chưa thể thực hiện ngay đồng nghĩa với việc sản xuất của người dân còn tiếp tục bị ảnh hưởng.