Kể từ khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai với lớp 1 năm học 2020-2021 thì cứ mỗi dịp đầu năm học mới, việc mua sắm sách giáo khoa (SGK), đồ dùng học tập lại làm đau đầu phụ huynh và học sinh. Năm học này cũng không ngoại lệ.
Như lạc vào ma trận
Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên chương trình GDPT mới được áp dụng ở cả 3 cấp học với các lớp 3, 7 và 10. Trong đó, cấp THPT lần đầu áp dụng ở lớp 10 với 3 bộ SGK đã được phê duyệt gồm Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống. Tuy nhiên, cũng như 2 năm học trước, tình trạng tìm “đỏ mắt” để mua trọn bộ SGK từ nhiều bộ sách khác nhau theo yêu cầu của các trường vẫn tiếp tục diễn ra khi năm học mới chỉ còn khoảng thời gian ngắn nữa.
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, tình trạng thiếu SGK mới, đặc biệt là SGK lớp 10 diễn ra tại nhiều nhà sách. Tại Nhà sách Tiến Thọ (đường Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội), trong khu vực SGK vắng bóng hoàn toàn của các bộ sách lớp 10. Một nhân viên tại đây cho biết, việc thiếu sách đã diễn ra 4-5 ngày nay dù lượng người đến hỏi mua rất đông. Hiện tại, Nhà sách đang tiến hành lấy sách từ kho để bày bán, tuy nhiên nhiều quyển vẫn thiếu và không biết bao giờ mới về thêm.
“Người dân đã mua sách lớp 10 từ rất sớm nhưng đến nay nhiều người vẫn không tìm được sách cho con vì sách lớp 10 bán xé lẻ. Không như sách lớp 3, lớp 7 đã được nhà sách đóng gói theo từng bộ, sách lớp 10 đòi hỏi phụ huynh và học sinh phải tự tìm môn học theo 3 bộ sách, tùy lựa chọn của từng trường trong khi sách về thiếu rất nhiều” - nhân viên này cho hay.
Tương tự, tại Nhà sách ADCBooks (đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội), rất nhiều phụ huynh và học sinh đang loay hoay tìm chọn SGK lớp 10. Không đến mức hết hàng SGK, thế nhưng sách lớp 10 tại đây cũng thiếu rất nhiều.
Chọn sách cả tiếng đồng hồ, chị Trần Thị Thanh Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn không thể tìm được sách Sinh học 10 thuộc bộ Cánh diều. Chị Thủy cho biết đã đi đến nhà sách thứ 3 nhưng vẫn chưa mua đủ bộ sách lớp 10 cho con. “Loay hoay trong mấy nhà sách mà không khác nào ma trận. Cứ được quyển này thì thiếu quyển kia. Khổ nỗi, tôi hỏi nhà sách thì họ cũng nói không biết bao giờ mới có hàng về” - chị Thuỷ than thở.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Anh Thư (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng 2 người cháu đến nhà sách ADCBooks để chọn mua SGK lớp 10. Thế nhưng, cả 3 người cùng tìm cũng chỉ được một nửa số sách nhà trường yêu cầu. Chị Thư cho hay, danh mục sách yêu cầu của nhà trường mỗi môn lại thuộc một bộ sách khác nhau, do vậy việc tìm sách rất khó khăn. Nhưng khó khăn hơn cả là muốn mua sách cũng không được vì đến nhà sách nào cũng thiếu hoặc hết hàng. “Tình trạng này xảy ra nhiều ngày nay khiến những phụ huynh như chúng tôi không khỏi đau đầu, nhất là khi năm học mới đã cận kề mà sách cho con vẫn chưa đủ” - chị Thư ngán ngẩm.
Bà Nguyễn Thị Thúy Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng cho hay, bản thân bà năm học trước cũng phải đi 3, 4 nhà sách mới mua được trọn bộ SGK theo chương trình mới cho con. Tuy nhiên, theo bà Minh, tình trạng khó mua sách chỉ xảy ra với một số phụ huynh không đăng ký mua sách tại trường mà tự mua sách ở ngoài và với học sinh chuyển trường, bởi mỗi trường dạy một bộ sách khác nhau.
Không để xảy ra tình trạng thiếu sách
Về nguồn mua SGK, ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, các trường sẽ có 2 phương án: Phụ huynh học sinh tự mua SGK và chọn mua sách qua một đơn vị cung ứng sách và thiết bị trường học. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều lựa chọn phương án 2 để bảo đảm học sinh có đủ SGK dựa trên sự đăng ký của phụ huynh với nhà trường.
Lý giải về nguyên nhân tới thời điểm này, học sinh lớp 10 vẫn chưa có SGK, ông Bình cho hay, năm học này, chương trình GDPT mới bắt đầu được triển khai ở bậc THPT với lớp 10 và có một số điều chỉnh môn học tự chọn vào phút chót nên phụ huynh, học sinh tâm tư là điều không thể tránh khỏi. Cũng bởi phụ thuộc vào các môn lựa chọn nên hiện tại nhà trường đang thống kê từ phiếu đăng ký nguyện vọng của học sinh, phân chia lớp theo các nhóm tổ hợp môn mà học sinh lựa chọn, sau đó học sinh mới đăng ký mua SGK và gửi số lượng tới đơn vị cung ứng.
Ông Bình nhìn nhận, việc điều chỉnh chương trình tương đối gấp gáp khiến nhà trường bị động, làm xáo trộn về việc chuẩn bị SGK, thiết bị đồ dùng dạy học, phòng học của các nhà trường. “Đáng lẽ, khi năm học mới cận kề, học sinh phải được chuẩn bị một tâm thế tốt, trong đó phải được đáp ứng nhu cầu về SGK - phương tiện học tập tối thiểu và cần thiết, nhưng năm nay việc chuẩn bị này hơi chậm trễ. Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại việc các nhà xuất bản (NXB) có đáp ứng đủ số lượng SGK cho học sinh hay không và có sự cân đối, điều chỉnh phù hợp giữa nhà kinh doanh và người sử dụng ở đây là học sinh” - ông Bình nói.
Trao đổi với PV, ông Vũ Xuân Dương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Nội - một trong số đơn vị cung ứng SGK trên địa bàn thành phố cho biết, hiện nay cơ bản những trường đăng ký mua SGK qua đơn vị này đã có đủ sách. Ông Dương cũng khẳng định, không có tình trạng thiếu SGK. Nguyên nhân khiến phụ huynh, học sinh khó khăn trong việc mua SGK mới là bởi một số phụ huynh không đăng ký mua sách ở trường. Trong khi đó, các đơn bị bên ngoài hệ thống bán lẻ không có đủ đầu SGK từ các NXB dẫn tới việc, phụ huynh phải đi nhiều nơi mới mua được trọn bộ SGK theo yêu cầu của trường học.
Theo quy định của Bộ GDĐT, các NXB có SGK được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng SGK phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký.
Thông tin từ NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, đối với SGK phục vụ học sinh theo chương trình hiện hành, đơn vị đã hoàn thành việc in, nhập kho 55 triệu bản, bảo đảm cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời đến các nhà trường, học sinh, giáo viên, không để xảy ra tình trạng thiếu sách. Do đặc thù của SGK lớp 10 năm nay nên các đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ có thể sẽ hạn chế nhập hoặc không nhập đủ các tên sách do không nắm được chính xác nhu cầu sử dụng, nên có thể xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ một số tên sách cụ thể. Vì vậy, các phụ huynh, giáo viên, học sinh có thể đến mua sách tại các địa chỉ thuộc hệ thống của NXB Giáo dục Việt Nam.
Trước đó, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi các sở GDĐT, các NXB về thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cung ứng SGK lớp 3, 7 và 10 năm học 2022-2023 với yêu cầu phối hợp với các NXB cung ứng SGK đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đến cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu của giáo viên, phụ huynh và học sinh trên địa bàn trước ngày 15/8; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK năm học 2022-2023 trên địa bàn.
GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:
Sách giáo khoa mới đang tồn tại nhiều bất cập Sau 3 năm chương trình GDPT mới được triển khai ở các cấp học với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, tôi nhận thấy vấn đề về SGK đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó có tình trạng làm rối loạn việc học của trẻ, giá sách cao, phụ huynh phải mua thêm nhiều đầu sách tham khảo, thiếu SGK mỗi khi đầu năm học mới... Rút kinh nghiệm từ 2 năm trước, năm nay, các NXB đã đến từng địa phương để thông tin về những ưu điểm nổi bật của các bộ sách, tạo thuận lợi cho việc lựa chọn SGK ở các địa phương. Tôi rất hoan nghênh việc này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, học sinh, phụ huynh vẫn rơi vào tình cảnh thiếu sách, không có sách. Trong khi đó, trước khi triển khai năm học mới, Bộ GDĐT phải kiểm tra, nắm rõ về: Đội ngũ giáo viên có đủ hay không; đã được tập huấn cho việc dạy học theo chương trình mới tới đâu; cơ sở vật chất được chuẩn bị như thế nào, kể cả dạy trực tiếp và cuối cùng SGK có đủ để phân phối tới các địa phương, bảo đảm không trẻ em nào thiếu sách hay không. Nếu không thực hiện đủ 4 điều trên, trách nhiệm thuộc về Bộ GDĐT. Tôi còn đang băn khoăn về việc những “hạt sạn” trong SGK mới mà 2 năm qua báo chí, phụ huynh phản ánh đã được sửa hay chưa? Tôi rất mong trong tương lai học sinh sẽ được mua SGK từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cần làm việc với các NXB giải quyết những bất cập này, tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh và xã hội.
Hoài Nguyễn(ghi)