Thiếu sách thiếu nhi 'Made in Việt Nam'

Minh Quân 14/06/2017 09:35

Cứ vào mỗi dịp đầu hè, các đơn vị phát hành sách trên cả nước lại cho ra cho ra mắt hàng loạt các tác phẩm phục vụ thiếu nhi. Tuy nhiên cho dù sách có đa dạng, phong phú thì nhiều phụ huynh vẫn đang vất vả khi đi tìm những cuốn sách hay, bổ ích và phù hợp với con em mình.

Thị trường sách thiếu nhi đang là một “ma trận”.

Dạo qua các hội sách, phố sách… vừa được tổ chức, một điều dễ nhận thấy là mảng sách thiếu nhi dù khá đa dạng, phong phú nhưng gần như vắng bóng các tác phẩm thuần Việt. Trong đó, có một thực trạng truyện thiếu nhi trong nước vốn ít ỏi hình thức kém hấp dẫn, thì truyện tranh nước ngoài lại tràn ngập với đủ thể loại, màu sắc. Hiện chỉ có hai doanh nghiệp nhà nước là Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng và NXB Trẻ chú ý khai thác mảng sách văn học trong nước dành cho thiếu nhi. Song NXB Trẻ trong nhiều năm nay dựa vào các cuộc vận động sáng tác là chính, còn NXB Kim Đồng chủ yếu tái bản các tác phẩm văn học thiếu nhi của những nhà văn có tên tuổi.

Theo thống kê của NXB Kim Đồng, sách văn học thiếu nhi trong nước xuất bản mỗi năm chỉ chiếm khoảng 20% thị phần. Đơn cử như thông báo phát hành sách trong tháng 6-2017 của NXB Kim Đồng, đa phần là các tác phẩm truyện dịch từ nước ngoài như Pokemon đặc biệt, Shin - Cậu bé bút chì - Hoạt hình màu, Yu-Gi-Oh!, Ngọn lửa Recca…Lý giải về điều này, nhiều đơn vị xuất bản thừa nhận lỗ hổng lớn nhất chính là ở đội ngũ sáng tác.

Hiện nay, đội ngũ nhà văn viết mảng thiếu nhi vẫn chỉ “quẩn quanh” ở cây bút đã nổi tiếng như Nguyễn Nhật Ánh, Phan Hồn Nhiên, Bùi Chí Vinh. Nhà văn Phong Điệp cho rằng chúng ta thiếu những giọng văn của một thế hệ viết mới, nhiều tác phẩm viết cho các em vẫn quẩn quanh những câu chuyện nhắc nhớ ký ức một thời; có thời điểm chúng ta phát hiện nhiều tác giả viết cho thiếu nhi qua các cuộc thi nhưng nay các tác giả này đã và đang chuyển dần sang viết cho người lớn hoặc dừng sáng tác.

Gần đây khi các bộ truyện tranh của Nhật Bản có dấu hiệu thoái trào và giới truyền thông cảnh báo trẻ không được học các môn kỹ năng sống, các nhà làm sách đã chuyển hướng đua nhau mua bản quyền, dịch sách kỹ năng sống cho trẻ. Hàng loạt bộ sách kỹ năng ra đời nhưng ít có bộ sách nào thực sự nổi bật. Nội dung các bộ sách thường na ná nhau: luyện chỉ số IQ; tập vẽ; tô màu; kiến thức về thế giới tự nhiên, thế giới loài người…

Những vấn đề, câu chuyện gần gũi, sát với cuộc sống hiện đại của các em như vấn đề bạo lực học đường, games, môi trường internet với cả một không gian kiến thức xã hội, gia đình thì gần như không có nhiều tác phẩm được phát hành. Không những vậy thị phần sách văn học dành cho trẻ em không chỉ lép vế so với thị phần của sách bổ trợ kiến thức, mà còn phải đối mặt với các tác phẩm nước ngoài, trong đó đáng ngại nhất là truyện tranh. Với nhiều bậc phụ huynh từ lâu đã quan niệm truyện tranh là sản phẩm dành cho thiếu nhi nên cứ để con cái thoải mái lựa chọn các truyện tranh có bìa màu bắt mắt mà không để ý tới nội dung. Chỉ khi thấy hành động hay lời nói bất thường của con cái, tình cờ đọc các cuốn truyện này mới vỡ lẽ đó là truyện giành cho người lớn.

Thực tế thị trường xuất bản phẩm nhiều năm trở lại đây cho thấy, sách thiếu nhi Việt Nam không đa dạng lắm, rất ít tác giả trong nước có cách viết hay và phù hợp. Ngoài những truyện cổ tích, truyện dân gian mà năm nào cũng minh hoạ, trình bày lại rồi tái bản thì thị trường vẫn khan hiếm sách thiếu nhi, thậm chí là sách thiếu thi cho trẻ em bằng ngôn ngữ thời hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu sách thiếu nhi 'Made in Việt Nam'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO