“Đói” thông tin từ các thị trường khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) khó mở rộng quy mô xuất khẩu. Bởi vậy, nhiều DN bày tỏ quan điểm, muốn có nhiều nguồn thông tin từ các thị trường nhập khẩu để có thể chủ động đưa ra những chiến lược kinh doanh hợp lý, cũng như có các giải pháp để mở rộng thị trường.
Xúc tiến thương mại tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Thảo.
Nhu cầu thông tin của DN rất lớn
Trên thực tế, thông tin về thị trường các nước nhập khẩu bao gồm cả các nước EU hay khu vực ASEAN, dưới góc nhìn của các DN nhỏ trong nước vẫn còn khá mù mờ, do quá thiếu thông tin hội nhập. Dù muốn thâm nhập thị trường gần này, nhưng DN lại không nắm được danh sách khách hàng tiềm năng cũng như các đối thủ cạnh tranh tại các thị trường.
Trao đổi về vấn đề này, nhiều DN cho biết, việc chia sẻ các thông tin thị trường từ các hiệp hội DN chính là một trong những kênh thông tin quan trọng vừa có thể giúp DN giảm được chi phí, vừa tăng thêm sự hiểu biết về thị trường, đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay. Mặc dù vậy, phản ảnh của các DN cho thấy, phần lớn họ rất “đói” thông tin từ các thị trường nhập khẩu. Như với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực, việc chủ động nắm bắt thông tin thị trường các nước trong FTA cũng không phải là chuyện dễ dàng với DN Việt.
Nhà nước cần tăng cường phổ biến, hướng dẫn nội dung của các FTA thế hệ mới cho các DN. Đây là giải pháp có thể thực hiện và cần phải được thực hiện ngay để giúp các DN nắm, hiểu, vận dụng một cách phù hợp các FTA này. Trong khi đó, phần lớn các DN biết về FTA là thông qua kênh truyền thông, số ít DN biết thông tin FTA thông qua các kênh khác. Như vậy có thể thấy việc phổ biến thông tin về các FTA thế hệ mới cần phải chú trọng hơn nữa.
Nhiều DN cho biết, họ rất khó trong việc hoạch định, cơ cấu vụ mùa vì bản thân các DN cũng như bà con nông dân rất thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ. Vì vậy, điều mà DN luôn mong mỏi là cần thông tin về thị trường, đặc biệt là thông tin phải có tính dự báo để người dân, DN chủ động hơn trong sản xuất.
Cập nhật thông tin cho từng thị trường, từng ngành hàng
Đại diện một hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chuyên sản xuất hồ tiêu chất lượng cao xuất khẩu, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Lâm San (Đồng Nai), cho biết HTX tập trung xuất khẩu vào EU là thị trường chính, song kể cả bất kỳ thị trường nào, EU hay Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc… DN cũng cần nắm rõ các thông tin liên quan đến các quy định, quy chuẩn của thị trường nhập khẩu. Đơn cử như thị trường Trung Quốc, có thể các yêu cầu về chất lượng, sản phẩm, xuất xứ, DN đều đáp ứng được nhưng cần sự hợp tác lâu dài, ổn định, có chương trình dài hạn thì rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà quản lý về thông tin thị trường đối tác
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC), cho biết qua nhiều năm làm xúc tiến thương mại thấy thông tin là nhu cầu đầu tiên và ngày càng trở nên quan trọng đối với DN Việt Nam cũng như nhà đầu tư trước khi quyết định sản xuất, xuất khẩu. “Chúng tôi luôn trăn trở trước mong muốn của DN là thông tin phải kịp thời và cập nhật thực tế liên tục từ từng thị trường, từng ngành hàng, nếu không thì DN rất khó mở rộng xuất khẩu. Nếu thông tin không kịp thời và cập nhật, DN sẽ không theo kịp thị hiếu thị trường các nước có xu hướng thay đổi nhanh, không nắm bắt kịp những thay đổi trong chính sách của các nước và như vậy sẽ khó có thể tránh được những rủi ro tiềm ẩn”- ông Hòa nêu quan điểm.
Theo quan điểm của các DN xuất khẩu, cung cấp thông tin không chỉ là đi tìm người mua cho DN, mà còn là thông tin đánh giá người mua, tiềm năng người mua, thông tin về những tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các nước để DN Việt có thể đáp ứng đúng.
Tuy nhiên, đứng ở vai trò nhà quản lý, ông Nguyễn Ngọc Sơn - chuyên gia Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan cho rằng, nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn chú trọng nhiều hơn đến những thương vụ, đối tượng khách hàng cụ thể và trước mắt, hoàn toàn thiếu một bức tranh toàn cảnh về tiềm năng thị trường. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp khó xác định được mức ngân sách, hoặc những nguồn lực khác như con người, thời gian để dành cho quá trình xúc tiến xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt ngoài việc không có đầy đủ thông tin của thị trường, còn thiếu sự tuân thủ về minh bạch và truy xuất nguồn gốc. Trên thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều chi phí để có thể áp dụng, tuân thủ một cách có hệ thống và bài bản các quy chuẩn trong toàn bộ hệ thống sản xuất hoặc trong chuỗi cung ứng mà bên nhập khẩu đưa ra.
Chính bởi vậy, cả DN và nhà quản lý cần phải giải tỏa những rào cản nói trên, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết để có thể thúc đẩy phát triển xuất khẩu một cách bền vững trong thời gian tới.