Thiếu thuốc giải độc: Nỗ lực tìm nguồn cung

An Thái 15/09/2022 07:15

Trước thực tế tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện (BV) Bạch Mai và nhiều BV lớn đang thiếu các thuốc giải độc, Bộ Y tế cho biết đang hướng dẫn các BV đặt đơn hàng; đồng thời yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc.

Ảnh minh họa.

Yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động

Theo đó, ngày 14/9 trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, các thuốc giải độc là các thuốc quan trọng nhưng thường là các thuốc rất hiếm, thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế. Các thuốc này không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ và Thông tư số 26/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn về thuốc hiếm và nhập khẩu đối với thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám, chữa bệnh.

Để có thể đảm bảo có các thuốc hiếm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc.

Ghi nhận tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai - cơ sở y tế đầu ngành về điều trị ngộ độc cho thấy, tại đây đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc, kể cả những thuốc cơ bản nhất. Điều này đã khiến cho tính mạng nhiều bệnh nhân trong tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc”. Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, các thuốc giải độc có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, có thể làm đảo ngược tình trạng của bệnh nhân từ một người trạng thái ngộ độc nặng nhanh chóng trở về trạng thái hết ngộ độc, cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, những thuốc đặc hiệu đang rất thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả biện pháp có thể để giúp cho bệnh nhân nhưng hiệu quả rất hạn chế, cần có thuốc giải độc đặc hiệu cho người bệnh.

Đại diện Cục Quản lý Dược cho hay, trước tình trạng BV Bạch Mai đang thiếu huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, Cục đã hướng dẫn BV Bạch Mai thực hiện việc xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng nhập khẩu. Khi nhận được đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Dược luôn ưu tiên giải quyết. “Trong thời gian tới, để chủ động hơn nữa đối với các thuốc giải độc, thuốc hiếm, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ để có cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm đảm bảo nhu cầu điều trị”- đại diện Cục Quản lý Dược cho biết.

Đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm

Trước đó, thông tin tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết, đang thiếu các loại thuốc giải độc khiến nhiều người lo lắng. PGS. TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm không chỉ diễn ra tại BV Bạch Mai mà ở nhiều BV khác trong cả nước.

Theo ông Cơ, sau khi tiến hành rà soát lại và thống kê các thuốc hiếm tại BV Bạch Mai cho thấy, nhiều khi cả năm không có bệnh nhân nào liên quan đến sử dụng thuốc này, nhưng nhiều khi đột xuất lại có nhiều ca bệnh. Hiện các thuốc hiếm như: Huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum, giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân... hiện chưa có kho hay trung tâm nào dự trữ cố định.

Ông Cơ cũng dẫn chứng, liên quan đến hàng loạt bệnh nhân ngộ độc pate chay trước đây chúng ta cũng không có sẵn loại thuốc giải độc này, phải nhờ đến Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ thì mới có. Hiện nay, BV Bạch Mai đã giao cho các chuyên gia đầu ngành thống kê lại nhu cầu thuốc hiếm, thuốc giải độc. Đồng thời BV Bạch Mai cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số BV có đơn vị điều trị chống độc ở 3 miền để sẵn sàng điều phối đến các BV toàn quốc khi có người bệnh cần sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu thuốc giải độc: Nỗ lực tìm nguồn cung