Chiều 25/5, Viện Dinh Dưỡng, Bộ Y tế công bố thông điệp của Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6/2018): “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống.
Quang cảnh buổi làm việc.
Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, Việt Nam tuy đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016) và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây nguyên là 34,2%.
Tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam còn cao những đã giảm thấp hơn hầu hết các nước ở khu vực châu Á và hiện nay còn cao hơn của các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore, I rắc và Srilanka. Chiều cao trung bình của nam và nữ của Việt nam là 1,64m và 1,55m thấp hơn các nước phát triển.
Nguyên nhân của thực trạng trên, theo Ths. Bs Trần Khánh Vân, Viện Dinh Dưỡng, là do thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) và đây cũng là nguyên nhân chính làm thấp chiều cao ở thanh niên Việt Nam.
Có rất nhiều vi chất dinh dưỡng chúng ta không tự tổng hợp được mà phải thu nhận từ bên ngoài cơ thể như sắt, kẽm, vitamin A, D...
Thực tế hiện đang diễn ra khá phổ biến ở trẻ em Việt Nam tình trạng thiếu vitaminA. Kết quả Điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em 6 – 59 tháng tuổi tiến hành năm 2014 - 2015 cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,0%, có sự chênh lệch giữa các vùng; thậm chí một số địa phương miền núi, tỷ lệ này lên tới 16,1%, tỉ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp ở mức 34,8%. Tiếp đến là tình trạng Thiếu máu. Theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2014 - 2015, 32,8% phụ nữ có thai; 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ; 27,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em 6 - 24 tháng tuổi (42,7% - 45%) và phụ nữ tuổi sinh đẻ khu vực miền núi (27,9%). Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ thấp hơn ở khu vực nông thôn và thành phố với tỷ lệ tương ứng là 26,3% và 20,8%. Tỷ lệ thiếu máu có xu hướng giảm, nhưng giảm ở mức chậm và hiện vẫn ở mức trung bình về YNSKCĐ. Thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỷ lệ 63,6 % (ở trẻ em < 5 tuổi); 54,3% (phụ nữ có thai) và 37,7% (phụ nữ tuổi sinh đẻ) trong các trường hợp thiếu máu. Ngoài ra, thiếu kẽm, vitamin D và can xi, i Iốt cũng đang ở vào tình trạng rất đáng báo động.
Phòng chống thiếu VCDD hiện đang là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011 – 2020. Bổ sung VCDD cho các đối tượng có nguy cơ cao, tăng cường VCDD vào thực phẩm, đa dạng hoá bữa ăn là những giải pháp hết sức cấp bách. Tăng cường VCDD vào các thực phẩm thiết yếu để giảm thiểu sự thiếu hụt các VCDD trong bữa ăn hàng ngày là điều cần thiết để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.
Từ những thông tin nói trên, bác sĩ Trần Khánh Vân cho rằng, chỉ khi tất cả mọi người cùng ý thức được vấn đề bổ sung VCDD thì vấn đề mới được giải quyết một cách hiệu quả.
“1000 ngày đầu đời là thời gian cần được chăm sóc tốt nhất để có thể làm tăng chiều cao và phát triển trí tuệ mà sữa mẹ là giải pháp hoàn hảo nhất để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ”. GS.TS Lê Danh Tuyên, Giám đốc Viện Dinh Dưỡng. |