Cơn bão dịch tả lợn châu Phi hoành hành dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung thịt lợn đã và đang đẩy ngành chăn nuôi vào thế khó. Song, chưa dừng lại ở đó, từ đầu năm đến nay, thịt ngoại nhập khẩu giá rẻ ồ ạt tràn vào thị trường đẩy thêm áp lực lớn lên ngành chăn nuôi nước nhà.
Thịt nhập ngoại rẻ, khiến người chăn nuôi gia cầm trong nước gặp khó khăn.
“Khó chồng khó”
Trong vòng 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập về gần 6.000 tấn thịt lợn ngoại, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện Việt Nam nhập khẩu thịt từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu như: Úc, Brazil, Hoa Kỳ, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan, Nga… Không chỉ gia tăng nhập khẩu thịt lợn, mặt hàng thịt gà nhập khẩu cũng tăng chóng mặt trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ hơn 62.000 tấn thịt gà các loại với giá trị nhập khẩu đạt hơn 48,6 triệu USD. Như vậy, tính ra chưa đến 18.000 đồng mỗi kg thịt gà nhập Mỹ về Việt Nam.
Lượng thịt nhập khẩu gia tăng chóng mặt cũng đồng nghĩa cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam được lựa chọn các loại thực phẩm gia tăng. Tuy nhiên, khi các sản phẩm nhập khẩu có giá rẻ kỷ lục, chỉ 18.000 đồng/kg thịt gà, thì quả thực đây là một áp lực rất lớn đối với ngành chăn nuôi nước nhà. Giới chuyên gia trong ngành nhận định, ngành chăn nuôi đang lâm vào tình cảnh “khó chồng khó” vì cơn bão dịch tả lợn châu Phi hoành hành , cùng với đó là cơn bão thịt gia cầm nhập ngoại giá rẻ đang đổ bộ mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp (DN) cho hay, thịt gà giá rẻ đổ bộ ồ ạt vào thị trường nước ta không chỉ gây quan ngại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước. Đơn cử, trong suốt khoảng thời gian từ cuối năm 2018 đến nay, giá bán thịt và trứng gà sản xuất trong nước luôn chững ở mức rất thấp, thậm chí dưới giá thành sản xuất. Thực tế này khiến cho nhiều hộ gia đình, trang trại và các DN bị thua lỗ nặng nề.
Làm cách nào để ngành chăn nuôi có thể trụ vững trước cơn bão thịt nhập giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Việt Nam - EU (EVFTA) đang được thực thi và Việt Nam là một thành viên.
Không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún
Mổ xẻ những điểm nghẽn của ngành chăn nuôi hiện nay, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, cho đến nay, sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn yếu và không bền vững bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất còn đơn sơ, chưa được đầu tư khoa học công nghệ cũng như vấn đề vệ sinh môi trường chuồng trại dẫn đến những nguy cơ các loại vật nuôi dễ bị dịch bệnh, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành so với sản phẩm của các nước khác, đặc biệt là các nước tham gia CTTPP. Theo ông Long, từ việc tiêu thụ trong nước đến xuất khẩu nước ngoài, ngành chăn nuôi đều gặp khó trăm bề. “Chăn nuôi đang là ngành có năng lực cạnh tranh đáng lo ngại nhất.Từ góc nhìn DN về năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi, cho thấy các nước chuyên về chăn nuôi họ có nhiều điểm mạnh lớn về thương hiệu, quy mô hệ thống quản lý trang trại, chất lượng”- ông Long nêu rõ.
Nêu lên nguyên nhân sâu xa của vấn đề trên, ông Long cho rằng, do giá thành chưa cạnh tranh, do năng suất nguyên liệu đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu, nguồn giống chưa có năng suất cao, hệ thống quản lý trang trại chưa tối ưu... Ngoài ra còn có các yếu tố khác như thương hiệu chưa đủ lớn, cùng với nhân lực, trang trại nhỏ manh mún… đang là những yếu tố kéo giảm sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi nước nhà. Chính bởi vậy, để có thể giữ vững thị phần trong nước, ông Long khuyến cáo, các DN Việt cần sớm cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt cần đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ vững thị trường nội địa, phát triển thị trường xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đã đến lúc ngành chăn nuôi gia cầm cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu một cách mạnh mẽ. Đặc biệt chú trọng đầu tư công nghệ, đổi mới công tác quản trị DN, nâng cao năng suất vật nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm, bảo đảm tiệm cận với giá thành bình quân của thế giới. Đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước bằng chính sách kích cầu.
Không ít ý kiến cho rằng, yếu tố liên kết trong ngành chăn nuôi nói riêng, toàn ngành nông nghiệp nói chung còn lỏng lẻo. Chúng ta cần sản lượng cao, nhưng không phải là sản lượng nói chung, mà là sản lượng nông sản hàng hóa có chất lượng cao. Do đó phải đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất để khai thác ngưỡng đội trần năng suất vật nuôi, cây trồng, đột phá khâu chế biến nông sản và phát triển thị trường một cách khoa học và sáng tạo sẽ có tác dụng thúc đẩy cung ứng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngày càng có vị thế trong chuỗi nông nghiệp toàn cầu.
6 tháng đầu năm 2019, DN nhập khẩu thịt lợn qua cửa khẩu Hải quan TPHCM với khối lượng 5.647 tấn, kim ngạch 10,29 triệu USD, tăng về lượng gần 4.800 tấn, tăng về kim ngạch gần 8,1 triệu USD so với 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ các nước: Brazil 2.368 tấn với kim ngạch 4,39 triệu USD; Hoa Kỳ 874 tấn với kim ngạch 1,75 triệu USD; Ba Lan 848 tấn với kim ngạch 1,41 triệu USD; Bỉ 238 tấn với kim ngạch 620 ngàn USD; Hà Lan 210 tấn với kim ngạch 431 ngàn USD. Tương tự, đối với mặt hàng thịt gà, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 62.000 tấn thịt gà các loại với giá trị nhập khẩu đạt hơn 48,6 triệu USD. Như vậy, tính ra chưa đến 18.000 đồng mỗi kg thịt gà nhập từ Mỹ về Việt Nam.