Thờ ơ với bảo hộ nhãn hiệu: Doanh nghiệp sẽ mất thị trường

QUỐC ĐỊNH 10/06/2022 11:42

Nhiều sản phẩm có lợi thế phát triển ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp (DN) Việt thường đứng trước nguy cơ bị mất thương hiệu ngay sau khi sản phẩm chất lượng được tung ra thị trường. Nguyên nhân là do, DN khá thờ ơ với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu...

Để nâng sức cạnh tranh, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Chú trọng đến phát triển và bảo vệ giá trị sản phẩm

Mới đây, nhân dịp khai trương cửa hàng thịt lợn tươi sống tại một siêu thị lớn ở TP HCM, bà Nguyễn Thị Thảo, chủ hệ thống cửa hàng thịt này đã đưa ra chương trình khuyến mãi giảm giá tới 30% đối với một số mặt hàng, đồng thời giảm giá 10% các sản phẩm chế biến được làm từ thịt lợn thảo mộc (được nuôi bằng thức ăn dinh dưỡng có bổ sung tinh chất thảo mộc).

Bà Thảo cho rằng, đó là cách để thương hiệu thịt của mình khơi thông đầu ra, tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn với 3 yếu tố chính: Đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại là siêu thị, khuyến mãi giảm giá để kích cầu và bán sản phẩm tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Theo bà Thảo, không chỉ dừng lại ở việc có những chính sách khuyến mã, công ty đã và sẽ phát triển sản phẩm thịt thành chuỗi cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. “Song song đó, chúng tôi đang hoàn thiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm thịt do chính công ty mình làm ra nhằm tránh sản phẩm thịt giả mang nhãn mác của công ty. Điều này giúp cho sản phẩm của công ty phát triển bền vững” - bà Thảo chia sẻ.

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là một trong những việc làm cần thiết đối với bất cứ sản phẩm nào, dù là lưu hành trong nước hay đưa ra thị trường thế giới. Thế nhưng dường như nhiều DN Việt đang khá thờ ơ.

Trường hợp thương hiệu gạo ST25 là một ví dụ. Theo đó, thương hiệu gạo này của chúng ta đang đứng trước nguy cơ bị “cướp” nhãn hiệu tại Mỹ do quá trình đăng ký chậm. Sau khi loại gạo này được vinh danh gạo ngon nhất thế giới, ngay lập tức, ST25 được 7 công ty tại thị trường Mỹ đăng ký nhãn hiệu.

Luật sư Ken D. Dương cho biết, công ty Luật của ông đang đại diện ông Hồ Quang Cua (“cha đẻ” của gạo ST25) trong việc lo thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo này tại Mỹ. Luật sư Dương cho rằng, việc bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, nhất là các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam phải làm nhanh, làm chắc, bởi nếu lơ là sẽ rất bất lợi cho các DN Việt không chỉ tại các thị trường quốc tế.

Trở lại với việc xuất khẩu gạo, ông Dương đặt vấn đề: Tại sao Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới nhưng giá trị của mỗi tấn gạo lại thấp hơn Thái Lan khá nhiều? Nguyên nhân là vì nhãn hiệu và thương hiệu của gạo Việt, cũng như cách xây dựng giá trị sở hữu trí tuệ của DN trong nước đang có nhiều mặt hạn chế hơn so với cách Thái Lan đang làm.

Riêng về giống gạo ST25, theo Luật sư Dương, thứ nhất là sự sáng tạo về hạt giống, cho nên phải bảo vệ sự sáng tạo đó; thứ hai, từ hạt giống cho đến việc ra tới sản phẩm gạo là liên quan đến kinh doanh, bao bì, thương hiệu; thứ ba, là sở hữu trí tuệ, phải đăng ký nhãn hiệu đó ở thị trường mà mình bán ra. Và phía DN sở hữu nhãn hiệu gạo phải làm rõ ràng 3 vấn đề này.

"Các mặt hàng nông-lâm- thuỷ sản khác cũng phải vậy, nhất là khi ở Việt Nam có khá nhiều đơn vị nghiên cứu về giống với những sáng chế đặc biệt. Tuy nhiên, điều quan trọng là đừng quên khi xuất sang thị trường nước ngoài là phải đăng ký nhãn hiệu thương mại. Và nhãn hiệu đó sẽ thành giá trị rất lớn cho phía DN" - Luật sư Dương nhấn mạnh.

Phải chạm đến cảm xúc người tiêu dùng

Trao đổi xung quanh vấn đề xây dựng thương hiệu, chuyên gia bán lẻ và nhượng quyền Nguyễn Phi Vân lưu ý, những mắt xích tạo nên thương hiệu chính là: Khách hàng, người tiêu dùng, người sử dụng. Cũng theo bà Vân, khi thương hiệu không còn liên quan, không còn chạm đến cảm xúc và nhu cầu của người tiêu dùng, thương hiệu không tồn tại.

“Nhất là khách hàng trong thời đại hiện nay là những người tiêu dùng số, họ kết nối, tạo ra ảnh hưởng rất lớn. Do đó, đối với các DN Việt, việc xây dựng thương hiệu không còn là trách nhiệm của bộ phận marketing, mà đã trở thành chiến lược chuyển đổi mô hình kinh doanh. Cần phải hành động để giữ cho thương hiệu của DN gắn chặt hơn nữa với người tiêu dùng” - bà Vân nhấn mạnh.

Trong báo cáo xu hướng thị trường gần đây, Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me lưu ý: “đại dịch Covid-19 đã tăng cường sự chú ý của người Việt Nam trong các lĩnh vực sức khỏe và an toàn. Các sản phẩm, dịch vụ nâng cao sức khỏe sẽ được họ chú ý, trong khi an toàn là yếu tố chính khiến họ phải trả thêm tiền”.

Hơn nữa, để khơi thông đầu ra, công ty nghiên cứu thị trường này cũng có lời khuyên, các thương hiệu cần phải suy nghĩ về cách bán hàng để không bị chôn vùi giữa những thương hiệu khác trên nền tảng lớn.

Ngoài ra, để tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng, Q&Me cho rằng, các nhà tiếp thị nên chú ý đến lợi ích của sản phẩm và dịch vụ để nỗ lực truyền đạt thông tin đó.

Trong vấn đề gia tăng khả năng tiếp thị số nhằm tạo sức hút với người tiêu dùng, ông Nguyễn Ngọc Dũng, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, các DN vừa và nhỏ phải chuyển đổi số và từng bước đưa sản phẩm lên nền tảng số hóa. Bởi chỉ có số hóa, DN mới không bị tụt lại phía sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thờ ơ với bảo hộ nhãn hiệu: Doanh nghiệp sẽ mất thị trường