Thơ thiếu nhi - khoảng trống cần lấp đầy

Phạm Sỹ 04/08/2022 06:35

Hàng năm, nhiều tuyển tập thơ thiếu nhi được trình bày đẹp mắt với phần tranh minh họa sinh động và công phu ra đời, nhưng đa phần là những tác phẩm cũ được khoác lên một cái vỏ bọc mới. Còn thực chất tác phẩm mới có chất lượng thì khá hiếm, so với mảng văn học viết thì thơ dành cho thiếu nhi đang có một khoảng trống lớn...

Giải thưởng thiếu nhi “Dế mèn” thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả.

Hiếm tác giả đi được đường trường

Thơ thiếu nhi vẫn được xuất bản đều đặn hàng năm nhưng phần lớn là tác phẩm tái bản hoặc tuyển chọn lại. Có khác ở chỗ là được bày biện, trang trí hấp dẫn hơn. Mạch thơ thiếu nhi được các đơn vị xuất bản thay đổi khổ sách, vẽ lại bìa, thêm tranh minh họa...

Từ lâu, nhiều bài thơ thiếu nhi nổi tiếng quen thuộc trong lòng độc giả như “Ai dậy sớm” của Võ Quảng, “Chú bò tìm bạn” của Phạm Hổ, “Làm anh” của Phan Thị Thanh Nhàn…

Những năm gần đây, các tác giả, tác phẩm thơ thiếu nhi mới xuất hiện không nhiều, như “Ra vườn nhặt nắng” của Nguyễn Thế Hoàng Linh, “Biển là trẻ con” và “Ngày xưa của con” của Huỳnh Mai Liên, “Xin chào những buổi sáng” và “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ” của Nguyễn Phong Việt... Dường như mỗi lần những tập thơ này xuất hiện đều tạo nên dấu ấn. Tuy nhiên số lượng tác giả, tác phẩm thơ thiếu nhi mới vẫn còn hiếm hoi so với các dòng văn xuôi viết cho thiếu nhi. Dường như sự quan tâm dành cho mảng thơ thiếu nhi đang giảm sút?

Nhà thơ Cao Xuân Sơn - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng Chi nhánh TPHCM cho rằng, ngay cả trên thế giới, rất hiếm tác giả có thể đi đường trường với thơ thiếu nhi.

“Ngoài ngôn ngữ hồn nhiên, trong trẻo, có tính vần điệu, dễ thuộc, sự sáng tạo luôn là thách thức lớn nhất khi sáng tác cho thiếu nhi. Muốn xây dựng dấu ấn cá nhân trên địa hạt này, tác giả không được lặp lại chính mình, càng không nên trở thành cái bóng của người khác” - ông Sơn nhấn mạnh.

Trên kệ sách dành cho thiếu nhi phần lớn là các tác phẩm văn xuôi.

Nhiều người cho rằng viết cho thiếu nhi bao giờ cũng khó, người viết phải là người hiểu biết về đời sống của trẻ nhỏ và cả đời sống của người lớn. Một tác phẩm đặc sắc viết cho tuổi thơ phải là một tác phẩm mà cả trẻ nhỏ và người lớn đọc đều thấy thích. Bởi vì trong bất cứ một đứa trẻ nào cũng có một người lớn đang hình thành, và trong bất cứ người lớn nào cũng có một đứa trẻ không bao giờ già đi.

Còn theo nhà thơ Trần Đăng Khoa thì, hiện nay mảng văn xuôi viết cho thiếu nhi khá hơn thơ. Văn xuôi đã có một số tác giả như Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến và nhiều tác giả khác... Nhưng mảng thơ rất hiếm.

“Hiện nay ở các lĩnh vực khác, các em thiếu nhi ham mê và giỏi nhưng ở lĩnh vực văn thơ các em không chú trọng lắm. Đó là điều rất đáng tiếc. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ đời sống hiện tại. Sự mơ mộng, lãng mạn, bay bổng dường như đã bị nhường chỗ cho công nghệ hiện đại” - nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Bên cạnh đó, trên thị trường sách thiếu nhi, thơ cũng là thể loại khó bán. Nó phải cạnh tranh vất vả với các loại sách tương tác, truyện có tranh minh họa. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến cho các tác phẩm thơ không có nhiều trên thị trường sách thiếu nhi.

Khích lệ đam mê

Viết cho trẻ thơ luôn là niềm mơ ước của bất cứ người cầm bút nào. Khát vọng viết cho trẻ thơ của chính trẻ thơ và cả của người lớn vẫn là khát vọng thường trực.

Ông Nguyễn Anh Dũng, người sáng lập thương hiệu sách Sbooks cho biết: “Khi quyết định phát hành một tập thơ thiếu nhi, chúng tôi không quan tâm quá nhiều tới lợi nhuận. Là một đơn vị phát hành sách, chúng tôi trân trọng tâm huyết của tác giả đối với tác phẩm. Chúng tôi làm sách thiếu nhi và sách văn học Việt Nam với mong muốn tiếp thêm động lực sáng tác cho các cây viết trẻ và các nhà văn, nhà thơ có tình yêu với văn học”.

Tập thơ Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ của Nguyễn Phong Việt.

Trong văn học thiếu nhi Việt Nam, từng có đông đảo đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp dành những trang viết tươi xanh nhất của mình cho các em nhỏ. Sau một thời gian có vẻ trầm lắng, giờ đây, với sự quan tâm của giới làm sách, đồng thời các giải thưởng, cuộc vận động sáng tác cũng liên tục được tổ chức, hy vọng những người cầm bút sẽ quan tâm nhiều hơn tới đối tượng bạn đọc đặc biệt này…

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, hiện tại Hội Nhà văn Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay, Hội Nhà văn đang có một đề án sáng tác dành cho thiếu nhi. “Có thể từ đề án đó sẽ đánh thức những tài năng ở trong các em nhỏ hiện chưa có cơ hội được phát huy. Dự án này cũng đang nhận được sự ủng hộ rất lớn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” – nhà thơ Trần Đăng Khoa cho hay, tuy nhiên, theo nhà thơ, sự ủng hộ chỉ là một phần, vấn đề quan trọng vẫn ở chính các nhà văn. “Hy vọng sắp tới bằng sự quan tâm đặc biệt cho thiếu nhi chúng ta sẽ thúc đẩy được sức sống của thơ thiếu nhi” – nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ quan điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thơ thiếu nhi có thể phát triển, cần lắm những cuộc vận động sáng tác, cuộc thi dành riêng cho thơ thiếu nhi được tổ chức thường xuyên hơn nhằm thu hút nhiều hơn nữa các tác giả quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thơ thiếu nhi - khoảng trống cần lấp đầy