Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh phổ biến ở lứa tuổi trung niên và người già trong xã hội hiện đại.
Bệnh cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi do những nguyên nhân như chấn thương gối, béo phì hoặc khớp biến dạng bẩm sinh.
Triệu chứng khiến người bệnh than phiền đầu tiên là đau khớp gối với tính chất cơ học, đau tăng khi vận động đặc biệt với động tác ngồi xổm hoặc khoanh chân. Tuy nhiên, ở những giai đoạn muộn có thể triệu chứng đau xuất hiện cả khi nghỉ, có dấu hiệu sưng tại khớp do phản ứng viêm. Cơn đau cũng có thể lan dọc theo bờ trong hoặc bờ ngoài xương chày.
Nhiều bệnh nhân than phiền về cơn đau ở mặt trong gối, nơi bám của gân cơ chân ngỗng, ấn vào đây khiến bệnh nhân đau chói. Muộn hơn gây cứng khớp, hạn chế vận động, lệch trục khớp ảnh hưởng nhiều đến lao động và sinh hoạt của người bệnh, chất lượng cuộc sống bị giảm sút.
Thoái hóa khớp dẫn trở thành bệnh lý phổ biến trong xã hội hiện đại, làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như khả năng lao động của người bệnh. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng và điều trị bệnh sớm thì có thể giảm thiểu được những tác hại do bệnh gây ra.
Để phòng và hạn chế thoái hóa khớp, thì ngay ở lứa tuổi ngoài 40, chúng ta cần phải tạo cho mình thói quen tập thế dục đều đặn, xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý để tránh béo phì (quá nặng cân dễ thoái hóa khớp gối) hoặc bị tiểu đường do thoái hóa khớp rất thường gặp, dễ xảy ra nặng ở những người bệnh này.
Một số hoạt động gây thoái hóa khớp sớm như khuân vác nặng, sử dụng giày hoặc dép cao gót… Đối với những người bị dạng bất thường của khớp cần được điều chỉnh sớm bằng nội và ngoại khoa để tránh tình trạng quá tải của khớp.
Như vậy, thoái hóa khớp không phải là bệnh “nan y”. Một khi chúng ta biết cách phòng bệnh ngay từ lúc trẻ hoặc phát hiện sớm triệu chứng bệnh để có biện pháp điều trị hợp lý thì nỗi lo bệnh tiến triển nặng sẽ không còn.