Nhiều người còn đương chức hoặc đã nghỉ hưu ở thành phố Cần Thơ giờ đây đang tính chuyện thoát bao cấp cõi vĩnh hằng. Nhiều người tự lo hậu sự khi qua đời mà không chờ đến phần chế độ mà Nhà nước sắp xếp cho họ.
Ông Lê Quốc Khánh muốn “nằm gần dân”
Muốn nằm gần dân
Ông Lê Quốc Khánh, 69 tuổi, thương binh, thiếu tá quân đội nghỉ hưu năm 1990, ở số nhà 44/12, đường Nguyễn Văn Linh, tính bộc trực, giọng rổn rảng kể: Mới đây hội cựu chiến binh họp để thông báo các tiêu chuẩn khi qua đời đối với cán bộ là được an táng ở nghĩa trang liệt sỹ. Theo đó, với ông, khi qua đời được chôn vào nghĩa trang liệt sỹ cấp quận, ở khu mộ từ trần. Tuy nhiên, có ba loại mộ to nhỏ khác nhau và theo tiêu chuẩn của ông thì ông sẽ nằm trong loại mộ thứ hai. Con cái của ông là sỹ quan công an và quân đội, sau này qua đời cũng có tiêu chuẩn nằm ở nghĩa trang liệt sỹ ở khu mộ từ trần.
Tuy nhiên, ông đã mua 1.700 m2 đất tại xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, Cần Thơ) lập vườn và làm khu mộ gia đình để cha mẹ, vợ chồng, con cái quây quần ở cõi vĩnh hằng. Ông Khánh bộc bạch: “Lúc còn tại ngũ cũng như khi nghỉ hưu, tôi luôn sống cùng dân thì chết phải nằm gần dân, không muốn tách biệt theo cấp bậc, chức vụ gì nữa”.
Đầu đường Nguyễn Văn Linh, ông cựu chiến binh, công chức Nguyễn Đình Thắng ở số nhà 30, lại mua đất trong một nghĩa trang dân lập để lo chỗ vĩnh hằng cho gia đình. Mấy năm trước, ông đã an táng cha là cựu chiến binh thời kháng Pháp, và còn chỗ cho vợ chồng ông sau này. “Chúng tôi chủ động lo chứ không muốn để Nhà nước phải bao cấp nơi nằm xuống khi qua đời”, ông chia sẻ.
Ông Lê Văn Đạt trong Nghĩa trang dân lập Năm Đạt
Nghĩa trang dân lập
Mấy năm nay, trong vùng mở ra khá nhiều nghĩa trang dân lập. Ở đó, đã có không ít người hoặc gia đình những người đủ tiêu chuẩn nằm ở nghĩa trang liệt nhưng muốn “thoát bao cấp”. Hình thành sớm nhất là Nghĩa trang dân lập Năm Đạt ở ấp Phú Lợi, xã Đông Phú (Châu Thành, Hậu Giang) của ông Lê Văn Đạt, chính thức có giấy phép kinh doanh giữa năm 2006.
Khu nghĩa trang dân lập của Ông Đạt rộng 2 ha, có những ngôi mộ hoặc khu mộ gia đình công chức cao cấp, Anh hùng LLVTND, Bà mẹ VNAH. Ông Đạt cho biết: Một khu mộ gia đình lớn nhất có gần 30 ngôi mộ. Nhiều nhà mồ rộng lớn nhưng chưa có mộ, bên trong lát gạch khang trang với nhiều hộc mộ xây sẵn. “Đất trong nghĩa trang cơ bản đã bán hết. Giá tùy vị trí, rẻ nhất là 2 triệu đồng/m2”..
Nghĩa trang thiết kế ngăn nắp, có mộ người theo đạo Phật và người theo đạo Thiên Chúa nằm gần nhau, yên bình. Hệ thống điện và nước phục vụ tận nơi. Ông Đạt kể: Ông và hai người con trông coi nghĩa trang, thân nhân những người nằm ở đây không phải trả tiền gì cả, hàng năm ông có đóng phí bảo vệ môi trường gần 30 triệu đồng.
Ở tỉnh Hậu Giang, gần với thành phố Cần Thơ còn có hai nghĩa trang dân lập khác. Hoa Viên Nghĩa trang ở ấp Tầm Vu, xã Thạnh Hòa (Phụng Hiệp) do Cty CP MeKong đầu tư năm 2009, rộng 15 ha, kinh phí đầu tư gần 60 tỷ đồng. Ông quản trang Huỳnh Văn Vũ cho biết, giá bán tính theo huyệt mộ, dài 2,3 m, ngang 0,9 m, sâu 1,2 m là 40 triệu đồng; chi phí xây kim tĩnh, lát gạch 40 - 120 triệu đồng, tùy vật liệu. Hiện đã bán được gần 600 mộ, trong đó có nhiều công chức.
Cạnh Hoa Viên Nghĩa trang là Sơn Trang Tiên Cảnh do một tập đoàn của Malaysia đầu tư, rộng 14 ha, kinh phí đầu tư gần 300 tỷ đồng, hoạt động hơn 2 năm nay. Ở đây bán giá trọn gói làm huyệt và xây kim tĩnh, với nền mộ đơn 101 triệu đồng, còn nền mộ đôi từ 200 triệu đến hơn 1 tỷ đồng, tùy vị trí. Hiện đã bán được gần 500 mộ, trong đó cũng có nhiều công chức hoặc gia đình công chức.
Ở tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre và thành phố Cần Thơ đang dùng ngân sách mở rộng nghĩa trang liệt sỹ để xây thêm nghĩa trang từ trần, dành cho công chức qua đời.
Nghĩa trang liệt sĩ Bạc Liêu mở thêm Nghĩa trang từ trần rộng 4.500 m2, đã có 220 ngôi mộ. Việc mở rộng này có đặt ra mục tiêu vợ chồng nằm kề nhau nhưng không đạt được. Trưởng ban quản trang Đặng Quốc Cường giải thích: “Trước đây, gia đình có yêu cầu, được chừa lại phần đất để chôn vợ (chồng) kề nhau. Nhưng để lại khoảng trống không thẩm mỹ nên tỉnh qui định phải chôn cất liền kề, ai chết trước chôn trước, ai chết sau chôn sau thành ra vợ chồng khó được nằm kề, chỉ nằm chung trong nghĩa trang”.
Nghĩa trang từ trần Cà Mau qui hoạch 10.589 m2, Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau quy định, trong các đôi vợ chồng, một người có tiêu chuẩn “bao cấp mộ” mà một người không có nhưng nếu có nguyện vọng nằm cạnh nhau cũng được đáp ứng. Cán bộ quản trang cho biết, hiện đã có hơn 1.000 mộ từ trần, hết diện tích, phải mở rộng thêm thì mới có chỗ cho những công chức từ trần sau này.
Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Cần Thơ cũng có 600 mộ từ trần và đã kín chỗ, đang mở rộng thêm khu mới, thiết kế có 1.355 hộc mộ. Tại tỉnh Bến Tre, Phó ban quản trang Nguyễn Duy Phương cho biết, khu từ trần đã có 600 mộ.