Thoát nghèo nhờ nuôi đà điểu

vỹ an 21/09/2021 09:00

Ðà điểu sau khi nuôi từ 9 đến 10 tháng đạt trọng lượng từ 90 đến 110 kg/con là có thể xuất bán.

Tùy ở mỗi địa phương, giá đà điểu dao động từ 150 đến 200 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi con đà điểu có giá từ 17 đến 20 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí như giống, thức ăn… lãi khoảng 10 triệu đồng/con. Đây là vật nuôi đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.

Đơn cử như gia đình anh Phan Sỹ Hải ở xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Sau khi được tham quan mô hình chăn nuôi đà điểu của một người bạn ở Ba Vì (Hà Nội), anh Hải nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế có tiềm năng, phù hợp với điều kiện diện tích đất nuôi của gia đình, nên đã quyết tâm làm trang trại nuôi đà điểu.

Sau quá trình tự học tập, nghiên cứu về tập tính của đà điểu, anh Hải bắt tay vào xây dựng mô hình chuồng trại từ nguồn vốn tích góp của hai vợ chồng. Ban đầu, anh Hải mua 30 con đà điểu giống về nuôi thử với tổng chi phí khoảng 75 triệu đồng và sau 1 năm xuất bán thịt thương phẩm anh thu lãi được gần 40 triệu đồng. Những tín hiệu tích cực đó đã tăng thêm niềm tin để anh tiếp tục đầu tư, mở rộng chuồng trại quyết tâm gắn bó với mô hình nuôi loài chim khổng lồ đà điểu.

Hay như gia đình anh Lù Văn Nghĩa ở thôn Thác, xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang (Hà Giang). Năm 2017, anh Nghĩa tận dụng 0,5 ha vườn đồi của gia đình làm chuồng trại để nuôi đà điểu. Ban đầu, anh mua 5 đôi đà điểu giống của trung tâm nghiên cứu gia cầm ở Hà Nội, với giá từ 2 đến 2,7 triệu đồng/con để nuôi thử nghiệm. Năm đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi đối với loài gia cầm này, cho nên đàn đà điểu chậm lớn, hiệu quả kinh tế thấp... Nhưng với quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, anh Nghĩa đã mày mò học hỏi thêm kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đà điểu. Do vậy, ngay năm sau, anh mạnh dạn mua 40 con đà điểu giống về nuôi. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn đà điểu của gia đình anh Nghĩa nhanh lớn và không bị nhiễm dịch bệnh. Từ thành công bước đầu, đến nay mỗi đợt nuôi, anh Nghĩa thường duy trì số đà điểu của gia đình là 50 con.

Chia sẻ về việc nuôi đà điều, anh Lù Văn Nghĩa cho biết, cái khó là giá đà điểu giống khá đắt. Nhưng bù lại, đà điểu dễ nuôi vì thức ăn chủ yếu là các loại rau, cỏ, cám, ngô, thóc vốn sẵn có trong nhà, ngoài vườn, chất thải ít gây ô nhiễm môi trường hơn so với chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, đà điểu là loài vật nuôi có sức đề kháng khá cao so với các loài gia cầm truyền thống khác như gà, vịt, ngỗng…

Trong khi đó, theo anh Phan Sỹ Hải, việc nuôi đà điểu thành công trước tiên người nuôi phải hiểu rõ về tập tính và môi trường sống của đà điểu để từ đó làm chuộng trại tạo không gian sống cho đà điểu.

Đà điểu có nguồn gốc từ sa mạc, chính vì thế tạo được môi trường sống tương tự cho đà điểu rất quan trọng. Khi nuôi đà điều cần chú ý sân, chuồng nuôi phải sạch và có diện tích ưu tiên chiều dài để đà điểu chạy, chuồng nuôi phải được rải cát khô và sạch, bởi việc tắm cát thường xuyên giúp làm sạch cơ thể, loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da, giúp đà điểu khoẻ mạnh. Kinh nghiệm của những người nuôi đà điều cho thấy, đà điểu lại rất sợ tiếng ồn, nên trang trại phải tách biệt với khu dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoát nghèo nhờ nuôi đà điểu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO