Xã hội

Thoát nghèo nhờ rừng

Nguyễn Chung 02/02/2024 07:07

Là người tiên phong trong việc nhận khoán rừng ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), ông Lê Văn Bình - một cựu chiến binh đã làm đơn xin nhận thầu 12ha rừng cằn cỗi. Sau hơn 15 năm chăm sóc, đến nay mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm đang được ông Bình vận dụng một cách hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững.

anh-thay-bai-tren.jpg
Ông Lê Văn Bình bên khu đồi rừng của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chung.

Chuyện người mở đất

Trong cái rét ngọt của những ngày cuối tháng Chạp năm Quý Mão, tôi theo chân ông Lê Văn Bình - một ông chủ rừng trú ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung men theo con đường dẫn xuyên qua khu rừng xanh ngút ngát, hai bên là những thân keo lá tràm dựng thẳng hàng sắp đến kỳ thu hoạch. Phía ngọn đồi là khu chuồng trại nuôi gà và đàn dê đông đúc hơn 100 con của gia đình ông. “Có được hình hài này, tôi và vợ con đã đổ rất nhiều tiền của, công sức vào đó. Đây còn là “lộc” của rừng giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”- ông Bình nói đồng thời kể lại: Khoảng 15 năm về trước, gia đình ông và bà con trong xã gặp muôn vàn khó khăn. Vốn là xã bán sơn địa, địa hình đồi núi đá chia cắt hiểm trở, cơ sở hạ tầng giao thông thiếu và yếu, môi trường sống không đảm bảo, dẫn đến đời sống kinh tế xã hội tương đối nghèo nàn, chậm phát triển. Bà con chủ yếu sống dựa nhiều vào cây lúa và hoạt động khai thác đá thô sơ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Trong khi đó, xã Hà Tân lại được thiên nhiên ban tặng cho hàng trăm héc-ta rừng bạt ngàn, song ở thời điểm bấy giờ, do chưa có nhiều chính sách của Nhà nước, cộng với nhận thức của đa số người dân về việc phát triển kinh tế rừng còn khá hạn hẹp, dẫn đến hàng trăm héc-ta rừng bị bỏ hoang, đất đai cằn cỗi một cách lãng phí.

Nắm bắt và hiểu rõ những chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng với khát vọng làm giàu từ cánh rừng quê hương, năm 2007, ông Bình mạnh dạn làm đơn xin nhận thầu 12ha rừng. Nhìn ông ngày ngày xoay sở với khoảnh đất cằn cỗi từ tinh mơ đến tối mịt, vợ con, xóm giềng ai cũng bảo ông “gan”. Ông cùng gia đình đã phải vất vả cải tạo lại đất rừng, phát cỏ dại, đào hố trồng cây keo lá tràm, làm đường lên núi. Sau những ngày tháng nỗ lực, những cây keo lá tràm dần phủ kín những mảng sỏi màu gan gà và vươn cao. Thấy việc trồng keo thuận lợi, ông tiếp tục làm đơn xin thầu thêm, cho tới nay gia đình ông Bình đã phủ xanh 55ha đất rừng bằng nhiều cây có giá trị kinh tế như mít, bưởi, dừa. Đồng thời, kết hợp chăn nuôi đàn dê, gia cầm, hàng trăm bọng ong… góp phần tăng thêm thu nhập đáng kể.

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của của chính quyền địa phương và khả năng sử dụng đất hợp lý, đời sống kinh tế của gia đình ông đã được cải thiện, thu nhập bình quân khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm. Cũng nhờ vào khoản thu nhập này, cuộc sống của ông đã dần ổn định, gia đình đã có ngôi nhà khang trang, con cái có điều kiện học tập tốt. “Thoát nghèo nhờ rừng thì vui lắm nhưng điều tôi cảm thấy vui hơn cả là đã góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc che phủ đất trống, đồi trọc, giữ gìn hệ sinh thái thiên nhiên. Bên cạnh đó tạo công ăn việc làm cho 40 - 45 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/tháng, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

Nhân thêm nhiều mô hình

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả từ mô hình giao khoán rừng sản xuất cho người dân phát triển kinh tế, ông Trương Văn Huấn - Chủ tịch UBND xã Hà Tân cho biết: Kể từ khi Dự án 611 của Chính phủ về tổ chức thực hiện trồng mới 5 triệu héc-ta rừng, các hộ được chính quyền địa phương giao khoán nhiều diện tích rừng để phát triên kinh tế và bảo vệ, từ đó thay đổi được tư duy, góc nhìn của người dân về rừng, là bàn đạp để địa phương xoá đói giảm nghèo.

Là xã thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế từ rừng trồng, tận dụng lợi thế của địa phương, trong những năm qua Hà Tân đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, tập trung phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm giảm xói mòn, chống sạt lở và bảo vệ nguồn nước, đồng thời mở ra hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. “Việc sử dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đồi núi trọc của địa phương đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân”- ông Huấn chia sẻ thêm.

Cũng nói về hiệu quả từ mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi của cựu chiến binh Lê Văn Bình, ông Nguyễn Đức Hội - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hà Tân hào hứng cho biết: Mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi của ông Bình là mô hình tiêu biểu giúp người dân phát triển kinh tế. “Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức cho hội viên trong xã tới đây tham quan. Bản thân ông Bình là người nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm, những bí quyết mà ông tích lũy trong nhiều năm. Mong muốn hỗ trợ những hội viên, người dân đang gặp khó khăn cải thiện cuộc sống. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân lên thêm nhiều mô hình tương tự để góp phần động viên bà con mạnh dạn đầu tư, làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình”- ông Hội nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoát nghèo nhờ rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO