Hòa Bình - nơi được mệnh danh là “cửa ngõ Tây Bắc” còn nhiều vùng mà người dân đã gặp không ít những khó khăn. Nhưng bằng sự chú ý, bằng các nguồn vốn đầu tư được “rót” về, bằng cách tự học hỏi và vượt khó nên sự thay đổi đã dần tìm đến. Xâm nhập vào vùng lòng hồ và một xã lâu nay được mệnh danh là khó khăn như Tân Lập (huyện Kỳ Sơn) chúng tôi đã có những ghi nhận.
Dựa vào thế nước để thoát nghèo.
Vượt khó đi lên
Sau hàng chục năm nhường đất, nhường nhà, thậm chí cả mồ mả ông bà, tổ tiên mình cho công trình Thủy điện Sông Đà, người dân vùng lòng hồ đã gặp không ít khó khăn. Nhưng với sự cần cù chịu khó, họ đã bứt phá đi lên, lại thêm có các chương trình dự án về cũng giúp bà con đỡ khổ. Tuy cuộc sống của họ chưa đạt được như mong muốn, nhưng nay, lên Hòa Bình, tìm vào các xã thuộc lòng hồ, người ta đã có những phần an ủi cho mình.
Khi đại công trình Thủy điện Hòa Bình được hoàn thành thì vùng lòng hồ Hoà Bình có 25 xã thuộc 5 huyện bị ảnh hưởng. Người dân “chạy nước”, nhường cuộc sống lớn lao của mình cũng như người thân thích để ưu tiên cho dòng điện quốc gia. Nhân dân sinh sống ven lòng hồ chủ yếu sản xuất nông - lâm, ngư nghiệp. Sau khi bị nước vây hãm, những cánh đồng “bờ xôi, ruộng mật” gần như hoàn toàn mất, toàn vùng chỉ còn 1.059 ha ruộng. Ruộng ở đây chủ yếu là ruộng một vụ và trồng màu ngô, lúa, sắn.
Bên cạnh việc mất ruộng, mất đất, người dân lại gặp khó khăn vì trình độ thâm canh thấp. Cuộc sống của họ chủ yếu là tự cung tự cấp, không có sản phẩm nông nghiệp nào là hàng hoá. Từ những điều cần có cho cuộc sống quá yếu kém nên nhiều năm tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 58-60% dân số. Đói nghèo đã dẫn đến việc tàn phá tự nhiên để mưu sinh. Nạn phá rừng làm nương rẫy diễn ra ngày càng gay gắt và đã trở thành bài toán cân não cho môi trường sinh thái lòng hồ và các cấp chính quyền lúc bấy giờ.
Điều kiện kinh tế những năm đó đã vậy, về văn hoá, y tế, giáo dục cũng gặp không ít khó khăn nếu không muốn dùng tới chữ chậm phát triển. Nhiều năm, tỷ lệ trẻ em các độ tuổi thất học lên đến mức báo động, chiếm tỷ lệ cao, xấp xỉ 18-20%. Cơ sở hạ tầng thời gian này cũng vô cùng thấp kém. Tuy đã có một số đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn bồi thường sông Đà, song những công trình này hầu hết có quy mô nhỏ, không đồng bộ lại bị bị hư hỏng và xuống cấp nhanh. 10 xã trong vùng không có đường ô tô, điện lưới. Các công trình cấp nước sinh hoạt, thuỷ lợi hầu như chưa có.
Để khắc phục khó khăn, tạo đà cho bà con, nhiều sự chú ý đầu tư bắt đầu hình thành. Tiềm năng các xã vùng hồ bắt đầu được khai thác để phát triển sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân, một số vùng chuyên canh được hình thành. Hệ thống giao thông, các công trình xây dựng dân dụng khác phát huy hiệu quả góp phần làm chuyển đổi nhịp sống kinh tế xã hội ở vùng lòng hồ. Giao lưu hàng hoá được tăng cường, các tiến bộ khoa học kĩ thuật được đưa vào sản xuất, ứng dụng và phổ biến rộng rãi. Một số nghề mới được hình thành như xay xát, chế biến nông lâm sản thành hàng hoá. Ngoài phát triển nông nghiệp, vùng lòng hồ đã hình thành một số điểm công nghiệp khai thác tiềm năng của địa phương như khai thác quặng sắt, than đá…
Đến nay, thu nhập bình quân vùng lòng hồ đạt trên 5 triệu đồng/người/ năm. Toàn vùng đã xoá hết hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống nhanh chóng. Khoảng 30% số hộ dân trong vùng dự án đã làm được nhà ở kiên cố, mua được xe máy, mua được phương tiện sản xuất… Tỷ lệ thất học xuống; 30.000 ha rừng trồng mang lại thu nhập cho người dân và góp phần phòng hộ cho hồ thuỷ điện Hoà Bình. Từ đó đã nâng độ che phủ rừng ở vùng hồ lên 50%.
Nuôi cá lồng đang là thế mạnh của người dân xã Độc Lập.
Dựa thế để thoát nghèo
Tuy cách thành phố Hoà Bình chừng 8km nhưng xã Độc Lập huyện Kỳ Sơn lại là một xã vùng cao, nằm chênh vênh trên núi. Đứng trên xã nhìn xuống Thành phố Hòa Bình rõ mồn một nhưng để xuống được thì lại là một chặng đường đất chằng chịt dốc và ổ gà. Vào những hôm trời mưa nếu lên được Độc Lập thì chỉ có cách là đi bộ. Đất đồi trơn trượt dốc hun hút, muốn lên phải vượt qua chặng đường dài chừng gần 40km.
Đường sá đi lại khó khăn làm cản trở sự thoát nghèo của xã nhiều năm nay. Người dân xã Độc Lập sống chủ yếu bằng nông lâm nghiệp, với các cây trồng chủ yếu như ngô, lúa và cây nguyên liệu. Theo lãnh đạo xã thì Độc Lập có nhiều đất rừng nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn nên không được sản xuất. Do địa hình đồi dốc nên diện tích trồng ngô, trồng lúa của xã không nhiều. Tuy nhiên, ông trời lại “ban” cho Độc Lập là có nhiều hồ, suối. Những dòng suối này độ dốc thấp có thể ngăn để nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra cả xã còn có 4 hồ nước lớn.
Nhận biết được lợi thế này Đảng uỷ, UBND xã tuyên truyền vận động bà con phát triển nuôi trồng thuỷ sản để thoát nghèo. Đồng thời, các cấp chính quyền xã tạo điều kiện cho nhiều hộ vay vốn phát triển sản xuất. Tận dụng cơ hội này, nhiều hộ gia đình ở xóm Can, xóm Sòng mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi cá. Chọn loại cá lớn nhanh, có thu nhập cao như các trắm, trôi, mè, rô phi đơn tính họ đầu tư... Có hộ mạnh dạn còn vay hàng chục triệu đồng để đầu tư xây đập, ngăn suối lấy nước như gia đình anh Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Thịnh ở xóm Sòng.
Ngoài việc dựa vào thế đất, thế nước để tạo diện tích nuôi trồng thủy hải sản, họ còn tạo được dòng nước lưu thông để phục vụ tưới tiêu và chủ động phòng mưa lũ. Nhờ sự đầu tư này mà gia đình anh Quý, anh Thịnh đã thoát được nghèo, mỗi năm có thu nhập bình quân khoảng trên 30 triệu đồng từ nuôi cá. Tại xóm Can 2, hai anh em Đào Văn Linh và Đào Văn Hùng đã mở rộng diện tích mặt hồ nuôi cá trên 1ha. Do biết thâm canh nhiều loại cá nên hồ của hai anh trở thành nơi cung cấp cá thịt cho nhiều thương lái ở thành phố Hoà Bình. Mỗi năm hai anh có thu nhập từ cá trên 100 triệu đồng.
Đến nay trên toàn xã đã có trên 10ha mặt nước để sử dụng nuôi cá. Chỉ tính trong hai năm trở lại đây, cả xã đã mở rộng thêm trên 3ha mặt nước. Và trong thời gian tới từ hiệu quả của nuôi trồng thuỷ sản nhiều hộ trong xã sẽ mở rộng diện tích nuôi, xác định đây là lợi thế của Độc Lập phát triển kinh tế thoát nghèo. Do vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của Độc Lập chỉ còn dưới gần 30%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao và thu nhập bình quân của xã đạt 7 triệu đồng/người/năm.