Theo các nhà phân tích, quyết định cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia từ tháng tới dự kiến sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất châu Á. Song động thái đó cũng có thể là “chất xúc tác” cho sự phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực này.
Nguồn cung thu hẹp
Cam kết cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabia là một phần trong thỏa thuận rộng lớn của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của họ, trong đó có Nga, nhằm gia hạn cắt giảm sản lượng đến năm 2024 để kiểm soát giá dầu.
Ông Viktor Katona - nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Công ty phân tích và dữ liệu hàng hóa Kpler - cho biết: “Quyết định chắc chắn sẽ tăng giá dầu của Saudi Arabia, đưa giá dầu trở lại gần ngưỡng 80 USD/thùng. Và điều đó thực sự sẽ tác động đến các nhà nhập khẩu dầu mỏ ở châu Á, trầm trọng hơn khi đồng USD mạnh lên”.
Châu Á – khu vực đang chìm trong cơn khát năng lượng – đã phải đối mặt với áp lực nguồn cung dầu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Hai trong số những nước tiêu dùng hàng đầu của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ đã nỗ lực giảm bớt tác động bằng cách tìm đến các nguồn cung dầu giá rẻ của Nga.
Dù Ấn Độ - thành viên của nhóm Bộ tứ (Quad), bao gồm Mỹ, Australia và Nhật Bản - đã nhập khẩu dầu của Nga dưới sự giám sát của phương Tây, nhưng việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia cho thấy nước này có ít lựa chọn thay thế.
Động thái cắt giảm sản lượng của quốc gia dầu mỏ diễn ra ngay trước chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Saudi Arabia.
Thúc đẩy bộ đệm xanh
Dù tìm đến những giải pháp thay thế, nhưng giới phân tích cho rằng, các nhà tiêu thụ dầu lớn như Ấn Độ và Trung Quốc không thể thay thế nguồn cung dầu đang cạn kiệt bằng việc tăng nhập khẩu từ Nga, vì Moscow cũng cam kết cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày từ tháng 2 đến cuối năm nay.
Một báo cáo của ANZ cho biết, thị trường dầu mỏ dự kiến sẽ thắt chặt đáng kể trong nửa cuối năm nay và giá dầu Brent có khả năng đạt 100 USD/thùng vào cuối năm. Do đó, các nhà quan sát cho biết với rất ít lựa chọn thay thế, các quốc gia châu Á sẽ phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo.
Bà Christina Ng - Trưởng nhóm Nghiên cứu thị trường nợ và sự tham gia của các bên liên quan châu Á - Thái Bình Dương, tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA) - cho biết: “Điều đó sẽ khuyến khích các quốc gia châu Á tìm các nguồn thay thế, bằng cách tự sản xuất nhiều dầu hơn hoặc tăng tốc chuyển sang năng lượng tái tạo”.
Tuy nhiên, theo bà Christina Ng, thách thức đối với các quốc gia châu Á trong ngắn hạn là chuỗi cung ứng vẫn chưa hoàn thiện để thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Theo báo cáo của IEEFA công bố hồi đầu tháng, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cung cấp 10-15% nhu cầu dầu khí toàn cầu, đồng thời cũng là khu vực tiêu thụ dầu khí lớn nhất thế giới. Báo cáo cho biết, hầu hết các công ty dầu khí trong khu vực đều thiếu kế hoạch chi tiết về nỗ lực khử cacbon và có cách tiếp cận chờ đợi và quan sát động thái tiếp theo đối với năng lượng mới.
IEEFA cho biết: “Các công ty dầu khí ở châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu đặt ra mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và các chiến lược đa dạng hóa doanh thu, nhưng hầu hết đang ở giai đoạn đầu của quá trình khử cacbon và không có kế hoạch thực hiện chi tiết”.
Mặt khác, nhiều tổ chức tài chính đang tham gia liên minh toàn cầu cam kết cắt giảm tài chính cho các hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả việc bỏ qua các khoản đầu tư trực tiếp mới vào sản xuất thượng nguồn. “Trong trung và dài hạn, chúng tôi nghĩ rằng thị trường châu Á sẽ có động lực để xem xét phát triển năng lượng tái tạo” - bà Christina nhấn mạnh.
Cho đến nay, những tiến bộ về năng lượng tái tạo đã vẽ nên bức tranh đa dạng trong khu vực. Trong đó, một số quốc gia như Trung Quốc, đã vượt mục tiêu về phát triển năng lượng sạch. Ông Tim Buckley - Giám đốc Tài chính Năng lượng Khí hậu có trụ sở tại Sydney - cho biết, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về đầu tư năng lượng sạch.
Báo cáo của nhà nghiên cứu thị trường Fitch Solutions cũng cho thấy, đối với châu Á, khoảng 66% tăng trưởng công suất điện của khu vực này trong thập kỷ tới sẽ đến từ năng lượng tái tạo.
Ấn Độ cũng đang chuẩn bị 3 quá trình sản xuất năng lượng mặt trời quy mô lớn trong nước, nhưng việc giao hàng trong 3 năm qua đã bị chậm so với mục tiêu đề ra.
Dù có tiến bộ chưa đồng đều, song cam kết của các quốc gia châu Á là rất quan trọng, đặc biệt với sự đảm bảo về an ninh năng lượng.
Theo Fitch Solutions, sản lượng điện gió của châu Á vượt xa năng lượng mặt trời. Những phát triển công nghệ hơn nữa trong lĩnh vực điện gió được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng sản lượng điện cao hơn trong những năm tới.