Giá điện được điều chỉnh tăng thêm 8,36% vào ngày 20/3 vừa qua đã gây nên nhiều luồng ý kiến trong dư luận xã hội. Không ít ý kiến bày tỏ bất đồng vì giá điện được điều chỉnh tăng đã làm hóa đơn tiền điện của người dân tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, sau khi vào cuộc thanh kiểm tra, nhà quản lý đã khẳng định: Việc tăng giá điện đã được thực hiện đúng quy định.
Giá điện luôn là vấn đề được dư luận quan tâm.
Việc điều chỉnh giá điện đã được cân nhắc kỹ
Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội tại phiên họp Quốc hội diễn ra ngày 21/5 khẳng định: Quy trình xây dựng, ban hành giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 đã thực hiện theo đúng quy định, chỉ đạo của Thủ tướng.
"Năm 2019, Chính phủ đã xem xét điều chỉnh giá điện theo đúng quy định của Luật Điện lực, Quyết định 24 của Thủ tướng, một số Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội” – báo cáo của Chính phủ nêu. Thời điểm tăng giá điện là ngày 20/3, theo Chính phủ, được tính toán trên cơ sở đồng bộ với các điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ y tế, học phí... Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%, ở mức 3,3-3,9%, thấp hơn mức 4% Quốc hội thông qua.
Liên quan đến thông tin cho rằng giá điện “gánh” các chi phí, lỗ đầu tư ngoài nghành của EVN, báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Theo báo cáo của EVN tại Văn bản 2586/EVN-TCKT ngày 21/5/2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 về phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) thuộc EVN, các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được EVN thoái hết vốn nên không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành. Cụ thể, EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỷ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng. Riêng khoản vốn đầu tư còn lại, 7,5% vốn điều lệ tương ứng 187,5 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực đang kinh doanh có lợi nhuận và trả cổ tức hàng năm, sẽ được EVN thực hiện thoái vốn trong năm nay.
Các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài nghành của EVN. Việc tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân đã được EVN, Bộ Công thương thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc xác định mức giá bán lẻ điện bình quân. “EVN đã thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT đúng quy định trong công tác niêm yết công khai giá điện mới, công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện các trường hợp gian lận, cố tình tính toán sai tiền điện đối với các khách hàng sử dụng điện” – Báo cáo của Chính phủ khẳng định, đồng thời nhấn mạnh: Như vậy, quá trình điều hành giá điện (cả về mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh) trong thời gian qua và quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện vào ngày 20/3/2019 vừa qua đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao, cân nhắc nhiều yếu tố, xem xét đánh giá tác động nhiều chiều và bảo đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Cần có lộ trình dài hơi
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại bày tỏ quan điểm, chưa nói đến mức tăng có phù hợp hay không, song xét về thời điểm tăng giá điện là chưa hợp lý. Theo PGS.TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), đối với những mặt hàng Nhà nước quản lý giá, đặc biệt là điện, xăng dầu và những mặt hàng nhạy cảm… cần phải minh bạch giá thành, xem giá thành của mặt hàng đó đã tính đúng hay chưa và có nên tăng hay không, mức tăng bao nhiêu thì hợp lý. Muốn minh bạch giá thành cần phải có kiểm toán độc lập. Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập phải công bố công khai cho người dân được biết. “Trong trường hợp công bố giá thành xong mà thấy việc tăng giá là cần thiết thì cũng cần phải có những lộ trình dài hơi như mức tăng bao nhiêu % và tăng trong thời gian bao nhiêu năm, mục đích là để cho DN và người dân có kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp vì DN cần tính toán chi phí tăng hay giảm trong thời gian dài chứ không phải trong ngắn hạn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh” – PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, việc tăng giá các mặt hàng nhạy cảm cần dàn trải ra nhiều đợt, trong 1 lần mà tăng đến gần 10% như thế là quá lớn. Ví dụ, mặt hàng điện nên chọn thời điểm điều chỉnh cho phù hợp khi lượng điện tiêu thụ đang giảm vào các tháng thời tiết mát nếu điều chỉnh tăng giá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hóa đơn tiền điện thậm chí còn giảm vì lượng tiêu thụ giảm. Như thời điểm điều chỉnh giá điện vừa qua là không hợp lý, bởi đúng thời điểm lượng điện tiêu thụ tăng nên khi có hai tác động cùng lúc vừa tăng về giá, vừa tăng về lượng nên khi áp theo Biểu giá điện bậc thang khiến cho phần gia tăng quá lớn, gây ra sự băn khoăn trong dư luận.
Nhiều ý kiến cũng tiếp tục bày tỏ quan điểm rằng, cách tính biểu giá điện bậc thang hiện nay là chưa hợp lý. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, khoảng cách chênh lệch giữa các bậc thang (cả về lượng điện và giá điện) hiện nay không hợp lý dẫn đến mức giá có khoảng chênh lệch cao lại rơi vào số đông hộ tiêu dùng điện có mức tiêu dùng điện phổ biến trong xã hội. Chính bất cập này đã bộc lộ trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua khi giá điện được điều chỉnh: Khi lượng điện tiêu thụ tăng cao thì tiền điện thanh toán trên thực tế tăng nhanh và tăng cao hơn tốc độ tăng lượng điện tiêu thụ - và người tiêu dùng phải trả tiền điện nhiều hơn. Số tiền phải trả nhiều hơn này trong đó có khoản tiền do tăng giá nhưng thủ phạm chính là bố trí giãn cách giữa các bậc thang không hợp lý. Điều này đã gây bức xúc trong xã hội.