Ai cũng biết, lúc giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh. Bệnh hô hấp là bệnh hay gặp nhất; như cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và tái phát các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn hay bệnh tim mạch mãn tính.
Chia sẻ với PV, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Sơn - Bác sĩ Nhi, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, chênh lệch nhiệt độ lớn, do đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn có hại phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Dưới đây là những lưu ý hữu ích của Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn giúp chúng ta có sự chuẩn bị tốt nhất cho cơ thể khi bước vào giai đoạn giao mùa.
Những đối tượng dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi
Trẻ nhỏ: Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn
Người cao tuổi: Người cao tuổi thường có sẵn các bệnh lý mạn tính như bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ rất nhiều. Thay đổi thời tiết dễ làm khởi phát bệnh lý có sẵn ở người cao tuổi
Phụ nữ mang thai: Khi mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai nghén rất dễ bị dị tật cho thai nhi. Ngay cả khi mắc bệnh, thai phụ cũng thường ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, khiến bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, việc phòng bệnh là ưu tiên với thai phụ.
Một số cách phòng tránh các loại bệnh giao mùa
Uống đủ 2 lít nước/ngày: Giao mùa vào thu thời tiết sẽ trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn nên bạn sẽ ít có cảm giác khát nước như mùa hè. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải cung cấp ít nhất 2 lít nước/ngày để giúp các cơ quan trong cơ thể vận động trơn tru, đào thải độc tố - những chất làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Vệ sinh cơ thể đúng cách: Vệ sinh có thể coi là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các căn bệnh ho và cúm. Việc tiếp xúc với môi trường khói bụi, nhiều vi khuẩn - đặc biệt trong thời tiết giao mùa rất thuận lợi để vi khuẩn phát triển sẽ khiến chúng dễ dàng tấn công hệ thống sức khỏe của bạn. Do đó, hãy thực hành thói quen vệ sinh tốt như: đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay định kỳ, sử dụng khăn lau khi hắt hơi, sẽ giúp hạn chế sự tác động của virus, vi trùng và các tác nhân gây dị ứng.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Chú trọng bổ sung thật nhiều rau xanh, trái cây theo mùa sẽ giúp cơ thể được cung cấp một lượng vitamin dồi dào để tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, hạn chế món cay, nóng và chú trọng bổ sung thực phẩm giàu vitamin C nạp vào cơ thể. Vitamin C sẽ giúp cơ thể thích nghi với sự thay đổi thời tiết, tăng cường hệ thống miễn dịch và làm giảm các triệu chứng cảm lạnh.
Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể: Bổ sung thêm thảo dược và các sản phẩm điều chế từ thảo dược là cách hiệu quả để tăng sức đề kháng, tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Các loại thảo dược như: đông trùng hạ thảo, đẳng sâm, đinh lăng, chùm ngây… là những thảo dược thiên nhiên lành tính, giúp cung cấp nguồn dưỡng chất dồi dào, bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng, xua tan căng thẳng, mệt mỏi hiệu quả.
Vận động nhẹ nhàng vào sáng và tối: Ở thời điểm giao mùa, nhiệt độ vẫn còn khá cao nên cần tránh vận động vào buổi trưa, tranh thủ vận động vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối là tốt nhất. Hình thức vận động an toàn nhất là chạy bộ chậm, đi bộ đường dài, đạp xe…. Nếu có dấu hiệu mệt mỏi, cảm thì cần tránh đến phòng tập và tập các bài tập nặng. Bởi tập thể dục vào lúc này không những không tốt mà còn khiến bạn dễ bị ốm hơn vì nó tạo thêm gánh nặng cho cơ thể, cơ thể mất sức mệt mỏi.
Ngủ sớm và dậy sớm: Thức khuya có thể gây rối loạn nội tiết, làm tăng cân, suy giảm sức đề kháng. Trong khi dậy muộn lại khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống. Do đó, trong khi thời tiết giao mùa vào thu ẩm ương, bạn cần duy trì thói quen ngủ sớm, dậy sớm để tăng cường khả năng miễn dịch, làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim, thận, huyết áp cao, tiểu đường…
Đồng thời, xây dựng thói quen này còn giúp cơ thể nhiều năng lượng, có cảm xúc tích cực hơn, đầu óc linh hoạt, tập trung nhanh hơn và nhờ vậy sẽ giúp nâng cao hiệu quả công việc tốt hơn.