Thời điểm hợp lý để tăng lương

H.Vũ (thực hiện) 24/10/2022 07:00

Sau bao lần trì hoãn điều chỉnh tiền lương, tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (hiện là 1,49 triệu đồng/tháng), tương đương khoảng 20,8% để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, tăng lương cơ sở ở thời điểm này là hoàn toàn hợp lý.

Ông Trần Văn Lâm. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa ông, việc Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng đang nhận được sự quan tâm của người dân và tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ quyết định vấn đề trên. Ông đánh giá ra sao về tính thời điểm và mức tăng?

Ông Trần Văn Lâm: Tôi đồng tình với việc tăng lương cơ sở lần này lên 1,8 triệu đồng/tháng. Mức tăng như thế là phù hợp. 2 năm qua do dịch bệnh Covid-19 nên tăng trưởng thấp. Bây giờ kinh tế tăng trưởng khá, cho nên tăng lương ở thời điểm này là hoàn toàn phù hợp. Thời điểm bây giờ tăng lương 20,8% là vượt so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng chịu đựng của ngân sách.

Ngày 19/10, đồng USD đã mạnh lên và tiếp tục gâp áp lực đối với các đồng tiền lớn như đồng Yên (Nhật), Bảng (Anh). Điều đó khiến đồng tiền của các nước bị mất giá so với USD, trong đó có đồng Việt Nam. Vậy theo ông, trong bối cảnh đó việc tăng lương lên 1,8 triệu đồng/tháng có hợp lý để người dân đảm bảo cuộc sống?

- Đồng tiền mất giá do tính dựa trên chỉ số lạm phát. Mấy năm nay tốc độ lạm phát của ta chỉ mấy phần trăm, năm nay chỉ 1,8%. Lạm phát của ta luôn duy trì ở mức thấp. Tiền Việt Nam đồng có mất giá, nhưng không cao như những nước khác. Đó là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng mức tăng lương sơ sở của chúng ta lên 1,8 triệu đồng/tháng là hợp lý và đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống. Thực tế thì các cơ quan đã tính toán và cân nhắc hết các yếu tố. Bởi chúng ta được đánh giá là nền kinh tế ổn định và lạm phát thấp.

Cũng cần nói thêm rằng, tăng lương bao nhiêu phần trăm là dựa trên tính toán các chỉ số: tốc độ tăng trưởng kinh tế; tốc độ tăng năng suất lao động của các lao động trong từng lĩnh vực tổng thể trong nền kinh tế; mất giá của đồng tiền; và một số chỉ số khác. Làm sao thu nhập đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động, nhưng quan trọng phải phù hợp với khả năng chịu đựng của ngân sách.

Nguy cơ lạm phát tăng cao trong năm 2023 vẫn lớn và việc tăng lương cũng cần tính đến yếu tố này, thưa ông?

- Chúng ta phải dự phòng tất cả các phương án. Thế giới đang lạm phát cao như vậy, nhưng họ đang dùng các phương pháp để kiểm soát lạm phát, không thể để cao mãi. Thế giới đang nỗ lực để kiểm soát lạm phát, đặc biệt Mỹ và châu Âu đang hy sinh tăng trưởng để tăng lãi suất tiền gửi, lãi suất ngân hàng để rút tiền về. Các giải pháp này là công cụ kiểm soát lạm phát của họ. Còn ở ta kiểm soát lạm phát tương đối ổn định. Trong kế hoạch năm 2023, chúng ta đã đặt mức lạm phát 4,5%. Đó là mức cao trong khi năm 2022 chưa đến 2%. Đó chính là dự phòng tính toán đến trước tác động của kinh tế thế giới.

Theo dự kiến, thời điểm áp dụng tăng lương cơ sở là từ 1/7/2023. Người dân đang khó khăn sau dịch và nhiều cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc do lương thấp, vậy tại sao chúng ta không áp dụng ngay từ 1/1/2023?

- Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ mong muốn thời điểm áp dụng từ 1/1/2023. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào tình hình ngân sách. Nếu tăng từ 1/1/2023 thì chi phí tăng lương của năm 2023 sẽ tăng gấp đôi. Vấn đề là khả năng chịu đựng của ngân sách, nếu tình hình tăng trưởng tốt, thu tốt thì có thể tính toán làm sao tăng lương cơ sở ở thời điểm sớm nhất để động viên người dân.

Cử tri và nhân dân cả nước đang mong chờ tăng lương cơ sở, nhưng điều quan trọng nhất chính là sự kiểm soát của Nhà nước đối với giá cả các loại hàng hóa để tránh tình trạng lương tăng nhưng giá cả lại leo thang, thưa ông?

- Đúng vậy. Đây là vấn đề kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng lương nhưng giá cả hàng hóa không được tăng. Nghĩa là lạm phát giữ ở mức thấp. Mấy năm qua chúng ta kiểm soát thành công lạm phát, kể cả trong thời điểm giá xăng dầu lên cao. Giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng khác tối thiểu đều được kiểm soát chứ không “leo” theo giá xăng dầu. Đó là thành công của ta trong kiểm soát giá cả, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nếu kiểm soát giá cả không tốt sẽ dẫn đến lạm phát.

Muốn vậy, có lẽ cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong điều hành giá, thưa ông?

- Phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Giá cả liên quan đến lạm phát. Lạm phát là một trong những chỉ số vĩ mô cực kỳ quan trọng mà Chính phủ trong điều hành phải đặt ra mục tiêu đầu tiên là ổn định vĩ mô, đó là cái “bất biến”. Tăng trưởng cao hay thấp không quan trọng bằng việc ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không ổn định được kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao nhưng lạm phát cao thì “xóa nhòa” hết các thành tích tăng trưởng, lúc đó tăng trưởng không có ý nghĩa gì cả. Cho nên ổn định kinh tế vĩ mô đang được Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đặt ra đầu tiên. Lạm phát chỉ là một trong những chỉ số của kinh tế vĩ mô. Ngoài ra còn các vấn đề khác nữa, vì ngoài thị trường hàng hoá còn có thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Các cái đó phải tương đối ổn định. Các chỉ số vĩ mô về nợ công, cân đối xuất nhập khẩu, cân đối thu chi ngân sách mọi thứ phải đảm bảo hài hoà. Khi ổn định kinh tế vĩ mô thì lạm phát được ổn định ở mức hợp lý để duy trì các thành tựu tăng trưởng. Giá cả được kiểm soát thì đời sống người dân được đảm bảo.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời điểm hợp lý để tăng lương