Công văn số 9370 ngày 22/12/2021 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Ngày 10/12/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chỉ đạo các Bộ triển khai các nhiệm vụ để thực hiện kế hoạch thí điểm khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế kể từ ngày 1/1/2022.
Trước đó, Chính phủ đã có kết luận: Thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế, khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không nói riêng, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch nói chung, không để Việt Nam tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, đồng thời tạo điều kiện cho bà con Việt Nam được về quê hương khi Tết Nguyên đán sắp đến.
Vì vậy việc mở lại các chuyến bay quốc tế là cần thiết, trước mắt khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/ Los Angeles (Hoa Kỳ); trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt.
Khôi phục các tuyến bay thương mại quốc tế cũng nằm trong chính sách mở cửa để khôi phục, phát triển sản xuất. Đặc biệt, Tết Nguyên đán đã cận kề, nhu cầu về nước của bà con ta ở nước ngoài là rất lớn. Cùng đó khi một số nước và Việt Nam công nhận “hộ chiếu vaccine” của nhau thì nhu cầu đi lại, tham quan du lịch cũng sẽ tăng lên. Lúc này được coi là thời cơ để “mở cửa bầu trời” bằng các chuyến bay thương mại. Nếu chần chừ, chậm chân sẽ mất cơ hội, trong khi các hãng bay trong nước đều đã sẵn sàng.
Tới tháng 11, Việt Nam đã tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng (đủ 2 mũi) hoặc đã có chứng nhận chữa khỏi Covid-19, hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine” của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, người có “hộ chiếu vaccine” tại các quốc gia, vùng lãnh thổ có trong danh sách được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung khi tới nước ta (theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế). Được biết, Bộ Ngoại giao cũng đang cùng lúc trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm vaccine. Giấy chứng nhận tiêm vaccine của Việt Nam đã được một số nước công nhận và cho nhập cảnh.
Để được công nhận chính thức, “hộ chiếu vaccine” là những người đã tiêm đủ 2 mũi các loại vaccine ngừa Covid-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) hoặc Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Lộ trình được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021; giai đoạn 2 từ tháng 1/2022 và giai đoạn 3 từ quý II/2022. Lộ trình đã rõ chính vì thế, cần khẩn trương khôi phục lại các tuyến bay thương mại quốc tế, khi mà cũng chỉ còn chừng 1 tuần nữa là bước vào năm mới 2022.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn trong dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, thì các biện pháp phòng, chống dịch phải được tăng cường. Thế giới chưa có kết luận chính thức về độc lực của biến thể Omicron cũng như liệu chúng có “lẩn trốn” được những loại vaccine hiện có hay không, nhưng thực tế cho thấy tốc độ lây lan của chúng gấp từ 5 đến 7 lần so với biến thể Delta.
Điều đó cũng cần được xem là sự cảnh báo cần thiết để chúng ta mở cửa nhưng phải an toàn. Trong bối cảnh đó, cách tốt nhất là không quá hoang mang, sợ sệt để khoanh tay thúc thủ, mà phải chủ động vừa mở cửa vừa tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch Covid-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp, lâu dài, vì thế lại càng không được bi quan, sợ trách nhiệm, không dám làm gì chỉ biết ngồi chờ dịch tự đi qua.