Thời gian 'vàng' điều trị đột qụy não

Đức Trân 30/12/2022 09:42

Thống kê của Hội Đột quỵ não Việt Nam cho biết, hàng năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ não ở nước ta. Đặc biệt bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Điều trị cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Ảnh: Tùng Lâm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đột quỵ não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu ô xy, thiếu dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Đây là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất.

WHO chỉ rõ, đột quỵ não là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau ung thư và tim mạch, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Số liệu thống kê từ Hội Đột quỵ thế giới cho thấy, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Mỗi năm có tới 6,5 triệu ca tử vong với hơn 6% trong số đó là người người trẻ. Đáng nói, theo các nghiên cứu, chỉ có 33% người mắc đột quỵ não được đưa tới viện trong khoảng thời gian “vàng” để điều trị đột quỵ (6h đầu sau khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ).

Đơn cử, trường hợp bệnh nhân 60 tuổi, quê ở Thái Bình, tiền sử khỏe mạnh được đưa đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai vì tê yếu nửa người trái. Bệnh nhân cho biết, khi thấy mình có triệu chứng như đột quỵ, đã tự ý điều trị nằm nhà để nghỉ ngơi nhưng tình trạng không cải thiện, tay chân một bên yếu mới đến viện. Các bác sĩ cho biết, dù đã cố gắng hết sức nhưng bệnh nhân không qua khỏi bởi đến viện quá muộn (26 giờ sau đột quỵ).

Lý giải về nguyên nhân bệnh nhân đột quỵ não thường bỏ qua mất thời gian “vàng” trong điều trị, PGS. TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo cho biết, kiến thức thời gian “vàng” đối với bệnh nhân không phải ai cũng nắm được. Đa số bệnh nhân có triệu chứng của đột quỵ lại nghĩ bị cảm, nên thường đánh gió, tự uống thuốc ở nhà, đến khi bệnh trở nặng mới đi cấp cứu. Nguyên nhân tiếp theo là đối với những bệnh nhân đi cấp cứu ngay thì cũng đã mất một khoảng thời gian di chuyển, khi đến được bệnh viện có thể đã là giờ thứ 3 hoặc giờ thứ 4.

PGS. TS Tôn khuyến cáo, các yếu tố làm gia tăng các ca đột quỵ và trẻ hóa như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… không được kiểm soát. Bên cạnh đó, hút thuốc, căng thẳng quá mức cũng là nguyên nhân gây đột quỵ. Do đó, việc kiểm soát tốt các tình trạng này là rất quan trọng, để phòng ngừa đột quỵ. Ngoài ra, sự đổi mùa, không khí lạnh đột ngột là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm cho đột quỵ não gia tăng. Bởi vậy, cần phải chú ý chống nhiễm lạnh, lưu ý đến ăn mặc, tắm gội, kiểm soát lạnh trong mùa đông cũng giúp phòng ngừa đột quỵ.

Mặt khác, khi có người thân hay bắt gặp người có dấu hiệu đột quỵ, nên đỡ người bệnh nằm xuống để tránh bị ngã hay chấn thương. Tốt nhất là nằm nghiêng một bên với đầu nâng lên cao, để phòng trường hợp bệnh nhân bị tắc đường thở khi nôn ói. Trong trường hợp bệnh nhân chảy dãi hoặc nôn, cần làm sạch để bệnh nhân dễ thở. Trường hợp bệnh nhân bị hôn mê, cần kiểm tra hơi thở xem có bị khó thở hay ngừng thở không. Nếu khó thở, hãy nới lỏng quần áo. Nếu ngừng thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo. Đặc biệt, tuyệt đối không cạo gió, bấm huyệt hay châm cứu. Tuyệt đối không cho người bệnh ăn, uống hoặc tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào; không di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, chỉ nên di chuyển bằng xe cứu thương hoặc ô tô.

Thời gian “vàng” để cấp cứu cho người đột quỵ là rất quan trọng nhằm tránh các biến chứng và nguy cơ tử vong cho người đột quỵ. Ngay cả người có các triệu chứng nhẹ, sau đó biến mất cũng cần hết sức cẩn thận. Đó có thể là một cơn thiếu máu não thoáng qua, do cục máu đông nhỏ và bị tan đi nên người bệnh không phát hiện ra. Nó có thể là dấu hiệu cảnh báo của một cơn đột quỵ nặng có thể xảy ra sau đó một tuần hoặc lâu hơn.

3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian “vàng” để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời gian 'vàng' điều trị đột qụy não

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO