Thoi thóp làng nghề truyền thống

Nguyên Du 20/07/2022 09:24

Nhiều làng nghề truyền thống ở Bạc Liêu đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi các sản phẩm không còn “đất sống” trước sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm công nghiệp hiện đại khác. Việc duy trì và phát triển làng nghề đang gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sản phẩm đan lát đang đứng trước nguy cơ mai một.

Nguy cơ mai một, thất truyền

Nghề mộc ở xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu từng có một thời vàng son khi mang lại cuộc sống sung túc cho người dân từ hàng trăm năm nay. Nếu như ngày xưa các xưởng mộc ở đây luôn nhộn nhịp người dân đến đặt hàng như giường, bàn ghế, cày thì hiện nay không khí làng nghề ở đây rất ảm đạm. Những năm trở lại đây, nhiều sản phẩm được làm ra dù rất đẹp nhưng tiêu thụ ế ẩm do nguồn nguyên liệu giảm dần, làng nghề dần rơi vào cảnh thoi thóp. Hiện này chỉ còn vài người duy trì nghề mà ông cha để lại nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.

Ông Tạ Hai Tấn (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) cho biết: “Mặc dù trước đây việc đi lại khó khăn nhưng nghề mộc dễ kiếm tiền lắm. Người ở địa phương khác thường xuyên tìm đến xưởng đặt bàn ghế, giường, tủ... công việc làm không xuể. Nay thì, nghề mộc không còn thịnh như trước, chủ yếu là làm theo đơn đặt hàng chứ sản phẩm làm thủ công không cạnh tranh được với hàng mộc công nghiệp có mẫu mã đẹp, giá thành rẻ. Vì thế nhiều người không bám trụ nổi phải bỏ nghề”.

Tương tự nghề mộc, nghề rèn ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân và nghề đan lát ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long cũng chịu chung số phận hẩm hiu, có nguy cơ mai một. Nguyên nhân là do sản phẩm không còn phù hợp với thị trường. Mặt khác, thu nhập từ nghề này quá “bèo bọt” so với công sức người lao động bỏ ra chỉ dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/người/ngày.

Hầu hết các thợ rèn ở đây đều học nghề tại gia đình, theo cách “cha truyền con nối” nhưng hiện đang gặp khó khăn bởi sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm rèn công nghiệp, có giá thành rẻ và người dân làng nghề đang phải chật vật tìm hướng đi mới.

Bà Trần Thị Hồng Xuyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã đan lát Trúc Xanh (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: “Tôi rất muốn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của quê hương mình nhưng thời gian qua, làng nghề đan truyền thống gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ khó tìm đầu ra mà người thợ giỏi còn bám nghề ngày càng ít dần, nguồn nguyên liệu cũng ngày một khan hiếm”.

Cần vực dậy làng nghề truyền thống

Cùng với tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, các làng nghề hiện nay cũng lao đao bởi hàng tồn đọng gia tăng, người lao động mất việc chật vật xoay sở kiếm việc làm. Vì vậy, tìm đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm cho lao động địa phương là vấn đề bức thiết hiện nay.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, dù các làng nghề truyền thống hiện nay đang giảm sút, nguy cơ xóa sổ nhưng thành công từ chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã phần nào giúp người dân, các chủ sở hữu ý thức được rằng, sản phẩm của họ có khả năng tồn tại và phát triển trên thị trường nếu họ cải tiến, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các làng nghề truyền thống hay nghề mới hình thành đều có thể phát triển, người dân sống và thu nhập được từ chính làng nghề của mình.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng như các hội, đoàn thể đã tổ chức những khóa đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử, hỗ trợ kinh phí xây dựng website thương mại điện tử cho hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Cùng với đó, Trung tâm Phát triển Công thương tỉnh cũng tích cực hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, máy móc từ nguồn vốn của chương trình khuyến công; tư vấn xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề.

Ông Đặng Minh Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Chi cục tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, như: Hội chợ thương mại khu vực, hội chợ OCOP, hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Qua đó, giúp các cơ sở, hộ sản xuất ở các làng nghề có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội đầu tư, liên kết, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm”.

Giới chuyên gia nhận định, để sản phẩm làng nghề thật sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng, mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong làng nghề phải làm ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời phải tìm cách đưa sản phẩm đến nhiều kênh tiêu thụ như trung tâm thương mại, khu du lịch, chuỗi siêu thị và tìm hướng xuất khẩu mới...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoi thóp làng nghề truyền thống