Hiện tượng dị thường của thiên tai, thời tiết đang khiến nông dân tại nhiều địa phương phải gánh chịu tổn thất nặng nề. Tại Phú Yên, Cần Thơ, Đồng Nai… người nông dân đang có nguy cơ mất trắng nhiều diện tích hoa màu và cây ăn quả bởi những cơn mưa trái mùa xuất hiện liên tục.
Cây xoài ra hoa nhưng không đậu trái.
Cây ra hoa nhưng không kết trái
Tại Đồng Nai, từ cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, dù là mùa khô nhưng trên địa bàn tỉnh mưa liên tục xuất hiện với lượng lớn. Khí hậu biến đổi nhanh đã ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của cây trồng. Cà phê, tiêu, xoài... bị giảm năng suất hoặc xảy ra dịch bệnh nhiều.
Người dân ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán buồn bã cho biết, chưa có năm nào nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn như năm nay do diễn biến khó lường của thời tiết. Từ cuối năm 2016 đến những tháng đầu năm nay, mặc dù đang là mùa khô nhưng lại liên tục xuất hiện những đợt mưa lớn bất thường khiến điều đang trổ bông gặp mưa trái mùa nhiễm nấm, bông bị khô và hỏng hoàn toàn. Trước đây mỗi héc ta năng suất đạt 2 tấn mỗi năm, nay chỉ đạt khoảng 4,5 tạ.
Cùng cảnh ngộ, những cây xoài đang ra hoa cũng rụng trắng vườn, không thể đậu quả. Bắt đầu từ tháng 8 – 11/2016, mưa liên tục khiến xoài dù ra rất nhiều hoa nhưng không thể đậu trái. Từ tháng 12-2016, mưa giảm, xoài bắt đầu ra hoa, bà con hy vọng vụ mùa này gỡ gạc lại chút ít. Thế nhưng những ngày Tết Nguyên đán 2017 lại mưa, hoa tiếp tục rụng. Theo người dân thì hy vọng lắm vụ này cũng chỉ đạt khoảng 20-30% so với những vụ trước.
Cùng với điều và xoài, mọi năm sau Tết Nguyên đán là các vườn chôm chôm ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai) ra bông, trái non, năm nay, mưa bất thường khiến cây trồng phát triển không theo quy luật, những vườn chôm chôm của nông dân vẫn xanh tươi, ra đọt non nhưng chưa có bông.
Theo ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Bình Lộc (thị xã Long Khánh), nếu những ngày tới nắng ấm, chôm chôm sẽ ra trái, còn nếu mưa thì chưa biết thế nào. Bà con nông dân vẫn đang chờ đợi, nếu mưa trái mùa tiếp tục xuất hiện thì vụ chôm chôm năm nay sẽ thất bại nặng.
Hơn 2 tháng trước, hàng chục hécta tiêu tại ấp Trường An (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) đồng loạt héo dây, thối gốc do những đợt mưa, bão kéo dài khiến vườn tiêu bị ngập. Những đợt mưa dầm cũng khiến tiêu rụng bông nhiều, những bông tiêu đậu hạt cũng bị răng cưa, bồ cào nên năng suất giảm. Ở nhiều vùng, nông dân dự đoán năng suất có thể giảm từ 20-30% so với mọi năm. Hiện tình trạng tiêu chết rải rác do nấm bệnh vẫn xảy ra khắp nơi.
Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục Trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngành chức năng Đồng Nai đã thành lập các đoàn trực kiểm tra, hướng dẫn nông dân phun xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng. Đồng thời Chi cục cũng khuyến cáo người dân: Với diện tích xoài đã bị đen bông thì người dân không nên cho ra hoa tiếp vì dễ bị dịch hại, cho sản lượng và giá bán không cao…Trên cây chôm chôm, người trồng lưu ý sử dụng chất điều hòa sinh trưởng, các biện pháp kỹ thuật khi cây bắt đầu phân hóa mầm hoa và để bảo vệ hoa và trái non.
Cũng theo đại diện Cục Trồng trọt, biến đổi khí hậu sẽ còn xảy ra trong những năm tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai sẽ mở các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt cho người dân để nông dân thích nghi, ứng phó kịp thời.
Lúa ngập úng, hư hại nặng nề
Nhiều diện tích lúa ở khu vực Nam Trung Bộ đã bị ngập úng, hư hại, trong đó, có không ít diện tích bị mất trắng. Đợt mưa lớn từ ngày 31/1 - 3/2 đã làm cho khoảng 3.000ha lúa vụ Đông Xuân ở 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên bị ngập úng.
Rưng rưng nước mắt bên thửa ruộng ngập trắng nước, bà Định, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định nghẹn ngào bảo, từ cuối năm 2016 đến nay nhà tôi 3 lần gieo sạ thì cả ba lần mạ đều chết thối vì nước lũ. Đợt vừa qua thấy trời ngớt mưa vài ngày vợ chồng tôi lại sạ lần thứ tư, nhưng vừa được 1 tuần thì mưa lại trút xuống xối xả. Nước tháo không kịp, mạ vừa nhú lên là chết thối ngay. Vụ này coi như đói rồi.
Nông dân xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang dặm lại những chỗ lúa bị chết do mưa dầm.
Cũng trong tình trạng mưa lũ, úng ngập, hàng vạn nông dân khác làm ruộng ở vùng thấp trũng tại miền Trung không những phải bỏ Tết ra đồng tìm cách cứu lúa mà còn đang lâm vào tình cảnh trớ trêu khi thóc giống ngâm ủ hư hỏng vì không thể gieo sạ do ruộng đồng ngập nước
Đáng lo ngại hơn, thời gian gần đây người dân ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An vô cùng lo lắng khi dịch muỗi hành đã xuất hiện, hoành hành trên diện tích lớn lúa đông xuân ở đây. Điều làm người dân sợ nhất của dịch muỗi hành là không có thuốc nào để phun xịt phòng bệnh hay tiêu diệt được.
Bà Nguyễn Thị Hạ, nông dân ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng cho biết, khi phát hiện cọng lúa cứng đơ thì coi như lúa đã bị nhiễm bệnh muỗi hành nặng rồi. Nhà bà có 1ha lúa đông xuân đang phải cắt bỏ cho bò ăn vì không thuốc nào chữa được, nhìn xót ruột mà không biết làm thế nào. “Không phải chỉ có nhà tôi đâu, xã này nhiều nhà như thế, trung bình thì 1,2 ha, nhà nhiều đến cả 6,7 ha.
Bao công sức tiền của bỏ ra đến giờ lúa cứ thẳng đơ không trổ bông” – bà Hạ cho biết.
Sở NN-PTNT các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định cho biết, mưa lớn cộng triều cường dâng cao trước và sau Tết Đinh Dậu đã gây thiệt hại lớn đối với vụ lúa đông xuân. Chỉ tính riêng tại Thừa Thiên - Huế cùng với hàng ngàn hécta mới gieo sạ bị ngập úng thì hơn 2.000ha ruộng lúa ven phá ngập sâu trong nước không thể xuống giống. Trong khi đó Bình Định úng nặng 1.680ha lúa gieo sạ; Quảng Ngãi có gần 1.000ha lúa ở vùng trũng thấp, ven sông bị ngập sâu trong nước từ 0,5 đến 1m… |
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Long An, đến ngày 24-2, toàn tỉnh đã có hơn 10.000ha diện tích lúa đông xuân năm 2016-2017 bị nhiễm bệnh muỗi hành. Tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường. Riêng hai huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng có diện tích lúa bị nhiễm nặng cao nhất. Huyện Vĩnh Hưng, trong gần 7.000ha bị nhiễm bệnh, có gần 2.500ha bị nhiễm từ 50% - 70%. Còn huyện Tân Hưng, trong gần 2.500ha bị nhiễm thì có tới gần 1.100ha bị nhiễm nặng từ 50% - 70%.
Nông dân các địa phương đang vô cùng lo lắng trước hiện tượng thời tiết dị thường. Nhiều người bảo làm nông nghiệp mấy chục năm mà chưa năm nào khó như năm nay, cứ như vậy không hiểu thời gian tới làm gì đây?